PGS.TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) khẳng định: Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng một lượng khổng lồ chất độc hóa học.
Xét về mục đích, tính chất, phương thức, quy mô thì các chất độc hóa học do Mỹ sử dụng là vũ khí chiến tranh. Do vậy, đó là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Đã 55 năm sau thảm họa da cam (10/8/1961 – 10/8/2016), việc tẩy độc môi trường tại các điểm nóng còn tồn đọng dioxin cao gặp rất nhiều khó khăn; khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lớn.
Từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học xuống Việt Nam (Ảnh: TL)
Chất độc hóa học gây hậu quả như thế nào?
Theo kết quả các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, gồm chất da cam, chất hồng, chất trắng, chất tím, chất xanh, chất CS… ; 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin, xuống hơn 25.500 thôn bản, với diện tích khoảng 3 triệu ha. Mật độ phun rải trung bình vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp của Mỹ, trong đó hầu hết diện tích bị phun rải 2 lần, 11% bị phun rải 10 lần.
Theo VAVA, chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái. Theo điều tra của Ủy ban 10-80 và một số nghiên cứu của nước ngoài, môi trường trên toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng nề; các hệ sinh thái bị tàn phá, đảo lộn; hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề; một số loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng.
Tại các căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn, tiêu hủy chất khai quang, nồng độ dioxin còn gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép. Công ty Tư vấn môi trường Hetfield – Canada tháng 9/2009 đưa ra 28 điểm nóng, trong đó có 3 điểm nặng nhất là sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Các điểm còn tồn dư cao lượng dioxin luôn là nguy cơ gây phơi nhiễm cho dân cư lân cận.
Đặc biệt, chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu cho thấy chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, tuyến giáp, đái tháo đường; tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, gây dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản…
Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Số nạn nhân là con, cháu, chắt và người bị nhiễm trong chiến tranh ở Việt Nam có thể lên đến hàng triệu người. Không những chỉ người Việt Nam mà các lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam.
Khắc phục hậu quả như thế nào?
Ông Vũ Chiến Thắng |
Ông Vũ Chiến Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) cho biết, ngay sau giải phóng, Việt Nam đã quan tâm đến hậu quả của chất độc hóa học. Ủy ban 10-80 đã được hình thành để điều tra hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam. Sau đó, Ban chỉ đạo 33 cũng hình thành vào năm 1999 để khắc phục hậu quả chất độc hóa học.
Chúng ta đã điều tra, khắc phục rất nhiều cùng với sự hợp tác và giúp đỡ của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, mới ở mức độ nhất định. Về vấn đề môi trường, thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng ở các điểm nóng vẫn còn bị tồn lưu chất độc rất cao. Nhiều vùng do mưa lũ trôi, sau đó lắng đọng, có thể chưa phát hiện ra.
Bên cạnh đó, lựa chọn công nghệ để xử lý đất ô nhiễm cũng rất phức tạp. Số lượng nạn nhân chất độc hóa học chưa có sự thống nhất, nhưng rất lớn – lên đến hàng triệu người. Vấn đề liên quan đến sức khỏe con người cũng rất phức tạp như cơ chế gây bệnh của dioxin, các loại bệnh...
“Với nguồn lực tài chính và điều kiện đất nước chúng ta chưa giải quyết được nhiều trong câu chuyện này” – ông Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh.
Về giải pháp, ông Vũ Chiến Thắng cho biết: Vấn đề đầu tiên là phải nhanh chóng xử lý tất cả các điểm ô nhiễm nặng dioxin còn tồn tại, để không xuất hiện người phơi nhiễm mới. Với những đối tượng sống ở vùng bị phun rải hoặc ô nhiễm dioxin, tất cả bà mẹ mang thai phải được khám sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm. Những trường hợp có nguy cơ bị dị tật cần được tư vấn, có biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu số lượng người bị mắc dị tật.
Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chúng ta đã nhiều lần thay đổi các văn bản pháp lý để nâng cao mức hỗ trợ cho nạn nhân để họ có cuộc sống dần dần hòa đồng với cộng đồng.
“Mục tiêu đến năm 2020, sẽ khắc phục được một cách cơ bản hậu quả của chất độc hóa học về môi trường, sức khỏe con người, an sinh xã hội và các vấn đề khác liên quan” – ông Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh.
Theo VOV