Ông Shimpei Ara (phải) trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Tsuyoshi Nguyen |
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Tuổi Trẻ tại Tokyo, ông Shimpei Ara, trưởng phòng chính sách quốc tế (Bộ Quốc phòng Nhật), cho biết Việt Nam là một quốc gia mà Nhật đặc biệt quan tâm về quốc phòng. Việt Nam và các quốc gia khác của ASEAN nằm trên tuyến đường biển quan trọng nên việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực cũng mang đến sự thịnh vượng cho Nhật.
* Bộ Quốc phòng Nhật Bản có sáng kiến gì để góp phần giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông?
- Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường năng lực quốc phòng, xây dựng quân đội mạnh và đặc biệt là đã xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông gây nên phản ứng của các nước trong khu vực và quốc tế, Nhật Bản cũng như Việt Nam liên tục yêu cầu Trung Quốc phải tự kiềm chế mình.
Tuy nhiên Trung Quốc đã không tuân thủ các yêu cầu này. Đặc biệt, sau khi Tòa trọng tài ở The Hague ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, phía Trung Quốc đã công khai phủ nhận phán quyết.
Cộng đồng quốc tế đã có luật rất rõ ràng, các quốc gia phải tuân thủ theo là tất yếu và cần thiết. Để Trung Quốc tuân theo các phán quyết này, Nhật Bản đã thông qua các kênh ngoại giao tác động đến Trung Quốc.
Bằng các chính sách mềm, chúng tôi xây dựng năng lực cho các quốc gia liên quan trong khu vực Biển Đông. Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương mạnh lên thì Trung Quốc sẽ phải giảm các hành vi đơn phương như vậy.
“Một nội dung quan trọng nữa là thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Việt Nam về kỹ thuật và vũ khí quốc phòng. Nhật cấm xuất khẩu vũ khí, tuy nhiên nếu đảm bảo được sự an toàn, an ninh của Nhật thì điều đó có thể thực hiện được. |
Ông Shimpei Ara (trưởng phòng chính sách quốc tế, Bộ Quốc phòng Nhật Bản) |
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam với khu vực và Nhật Bản?
- Vị trí của Việt Nam nằm trên con đường biển quan trọng của Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến khu vực nên chúng tôi mong Việt Nam cùng Nhật Bản chung tay tác động với cộng đồng quốc tế để Trung Quốc phải tuân theo luật quốc tế.
Hòa bình và ổn định của Việt Nam ảnh hưởng đến Nhật Bản, vì vậy cần nâng cao năng lực cho Việt Nam về hải quân cũng như cảnh sát biển. Một khi Việt Nam nâng cao được các thế mạnh này thì sự ảnh hưởng của mình ở khu vực sẽ tăng lên nhất định. An ninh biển được đảm bảo thì trật tự hàng hải thế giới sẽ ổn định và khi đường biển ổn định thì Nhật Bản mới thịnh vượng được.
* Vậy những chính sách quốc phòng cụ thể của Nhật Bản với Việt Nam là gì?
- Căn cứ trên những định hướng chung của bộ quốc phòng hai nước, chúng tôi đã đưa ra các chủ đề cụ thể ở các lĩnh vực sau: giao lưu lãnh đạo cấp cao bộ quốc phòng từ bộ trưởng, thứ trưởng và tổng tham mưu trưởng; hợp tác các chuyên viên thông qua các hội thảo; hỗ trợ xây dựng năng lực; giao lưu giữa các lực lượng quốc phòng; giao lưu về học thuật, hội thảo đa quốc gia...
Và điều quan trọng là tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực mà trước đây chưa thực hiện được như an ninh phi truyền thống, an ninh, an toàn hàng hải, điều tra và cứu nạn.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của bộ trưởng quốc phòng Nhật, hai bên đã đưa ra các tuyên bố làm sao giữ vững hòa bình, ổn định khu vực; phản ứng trước việc bất cứ quốc gia nào làm bất ổn tình hình khu vực; tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và cả không phận.
Trong tương lai, Bộ Quốc phòng Nhật Bản căn cứ vào yêu cầu, nhu cầu của Việt Nam sẽ nâng cao hợp tác hỗ trợ xây dựng năng lực quốc phòng cho Việt Nam.
Sẽ có nhiều tàu Nhật ghé Việt Nam Lực lượng phòng vệ Nhật Bản quan ngại đặc biệt đến chống cướp biển Somalia, do đó khi lực lượng của Nhật đi tuần tra ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Somalia và về thì phải ghé Việt Nam để tiếp tế, theo lời ông Ara. Bên cạnh đó, các quốc gia Đông Nam Á thường gặp rất nhiều thiên tai, các tàu của quân đội Nhật Bản do đó sẽ đến các quốc gia này để hỗ trợ, cứu hộ. Để thực hiện được nhiệm vụ này, “chúng tôi cần tìm ra các cảng cho tàu lực lượng phòng vệ Nhật Bản ghé và Việt Nam là một địa chỉ thích hợp. Vì thế khi hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường, tàu Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội cập cảng Việt Nam” - ông Ara nhấn mạnh. |
Theo Tuoitre