Mong mỏi…

“Ngư dân chúng tôi nhận được sự hỗ trợ gạo, tiền kịp thời nên cuộc sống cơ bản ổn định. Về lâu dài, bà con rất cần một nghề mới đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài và bền vững”, ông Lâm Xuân Linh ở cùng thôn tiếp lời.

Bắt đầu sôi động trở lại

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công- Nguyễn Hữu Truyền chia sẻ: “Các nghề mà bà con đang cần chuyển đổi, nâng cấp là khai thác hải sản tầng nổi, cách bờ từ 20 hải lý trở ra. Đây là giới hạn vùng biển khai thác hải sản an toàn, có giá trị kinh tế cao, như ngừ, thu, chủa, cam... Điều này đòi hỏi ngư dân phải mạnh dạn đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ. Cấp trên cần có chính sách cho ngư dân có nhu cầu vay vốn (tương tự Nghị định 67 của Chính phủ) để có điều kiện cải hoán tàu thuyền, đa dạng lưới cụ”.

Ông Phạm Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) khẳng định, hơn một nửa trong tổng số 133 thuyền đã hoạt động trở lại. Khó khăn đối với địa phương hiện nay là chuyển đổi nghề. Với ngư dân Quảng Ngạn, không có nghề nào thay thế được nghề biển. Lứa trẻ bây giờ đều đi làm ăn xa, không theo nghề biển. Những người bám biển phần lớn tuổi trung niên, trình độ thấp, khó tiếp cận các ngành nghề mới. Ngoài sự hỗ trợ cải hoán, nâng cấp tàu thuyền đánh bắt xa bờ, người dân cần được đào tạo thêm nghề mới phù hợp với năng lực, trình độ, gắn với giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định. 

tại xã Phú Diên (Phú Vang) có đến 145 chiếc thuyền gần bờ, công suất 10-20 CV, chủ yếu lưới dạ, lưới màn, câu cá nục... Người dân có nguyện vọng được vay vốn nâng cấp, cải hoán thuyền để vươn khơi, đánh bắt cá lạc có hiệu quả như ở xã Vinh Thanh và một số địa phương khác. Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên nói: “Vì thiếu kinh phí mà ước mơ của người dân chưa thực hiện được. Trong khi ngư trường gần bờ đang gặp khó khăn, Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ, cho ngư dân vay vốn đóng tàu thuyền công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi”. 

Chuyển đổi nghề

Trong khi chờ nghề biển “phục hồi’, một số địa phương chủ động định hướng, vận động ngư dân khai thác tiềm năng sẵn có, tạo thêm nghề mới phù hợp. Tại vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) đang tập trung khai thác vùng cát, chọn các đối tượng vật nuôi phù hợp đưa vào chăn nuôi như dê, bò, lợn, gà… Các địa phương đã quy hoạch một số vùng đất có điều kiện lập trang trại, gia trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Lãnh đạo các địa phương đều kiến nghị, cấp trên hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, chuồng trại… giúp dân có điều kiện sản xuất.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thông tin, cùng với việc triển khai chính sách hỗ trợ gạo, các ban ngành đang nắm bắt, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương, tâm tư nguyện vọng của ngư dân, trong việc chuyển đổi nghề mới. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu sinh kế của ngư dân sẽ có biện pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề mới, như nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, ngành nghề phi nông nghiệp... Trong thời gian chưa thể chuyển đổi nghề, Sở NNPTNT đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Trước đó, Sở NNPTNT xây dựng dự thảo đề án khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho ngư dân trên cơ sở tăng cường quản lý nghề cá ven bờ và nuôi trồng thủy sản ven cửa biển. Sau khi tổng hợp ý kiến của các địa phương, Sở NNPTNT hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, sở khuyến cáo ngư dân có tàu thuyền hoạt động trong lộng, công suất từ 20-90 CV hạn chế sử dụng ngư cụ khai thác tầng đáy, lồng bẫy, lưới rê đáy, giã cào… Bà con nên chuyển sang đánh bắt vùng biển xa bờ hơn, với các loại lưới cụ như vây, mành đèn, chụp mực, câu vàng cá đáy, khai thác cá tầng nổi di cư từ đại dương.

Bài, ảnh: Hoàng Triều