Nhân viên cứu hộ tại trung tâm dành cho người khuyết tật ở thành phố Sagamihara, nơi xảy ra vụ tấn công bằng dao hôm 26/7. Ảnh: Reuters

Trước đó vào ngày 26/7 tại thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa, một cựu nhân viên của trung tâm chăm sóc người khuyết tật có tên Satoshi Uematsu đã tiếp cận tòa nhà trung tâm, đâm chết 19 người và làm bị thương 26 người khác. Sau đó, y nói với cảnh sát rằng: "Tất cả những người khuyết tật sẽ biến mất".

Vụ việc thúc giục chính quyền Nhật Bản cung cấp hỗ trợ tài chính cho các thành phố để cải thiện an ninh tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe dành cho người khuyết tật, trẻ em và người già, cũng như các bệnh viện và phòng khám trên khắp đất nước.

Phản ứng trước động thái này, một số thành viên trong gia đình của người khuyết tật bày tỏ lo ngại, việc tăng cường an ninh đi ngược lại với ý tưởng cho rằng, các cơ sở chăm sóc cần được mở cửa cho người dân địa phương.

"Người khuyết tật và gia đình của họ sẽ ngần ngại bước ra xã hội. Đó là điều tôi lo sợ", đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời một người đàn ông cho biết.

Tuy nhiên, các nhà chức trách tin rằng, sự an toàn của người dân ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe là điều không thể bỏ qua.

"Trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện có những biện pháp an ninh như camera giám sát, nhưng chúng không thể ngăn chặn vụ thảm sát. Chúng tôi phân tích những gì đã xảy ra và sẽ cải thiện các biện pháp an ninh", ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định.

Cũng trong tuần này, Bộ Phúc lợi Nhật Bản tuyên bố sẽ tìm kiếm nguồn vốn của chính phủ để trang trải một nửa chi phí cải tạo, tăng cường an ninh tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, một nhóm chuyên gia đã được Bộ này thành lập và đang tổ chức các cuộc thảo luận để xây dựng những biện pháp nhằm ngăn chặn sự tái phát của các vụ việc như vụ giết người hàng loạt tại Sagamihara.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Sputniknews & Nyuzer)