Chân sút không chuyên

Sinh ra tại miền biển Phú Vang nhưng cả ba lại không bắt đầu bằng sân bóng trên biển. Ở Phú Thuận, Bá Cường và Văn Ngọ thường xuyên chơi bóng tại sân trường, trong khi Anh Nhân (quê ở Thuận An) lại được tiếp xúc với sân cỏ nhân tạo do làm việc trong môi trường này. Năm 2009, BĐBB được đưa vào hệ thống giải quốc gia, các cầu thủ của Phú Vang làm quen với sân bóng đá mới và đam mê cũng thấm dần từ đó.

Cầu thủ Văn Ngọ, Bá Cường (thứ hai từ trái qua) và Anh Nhân (ngoài cùng bên phải) cùng các VĐV tại tuyển Quốc gia

Những năm qua, tuyển BĐBB tỉnh nhà luôn đứng trong top 3 của toàn quốc. Điều này khiến Bá Cường, Anh Nhân và Văn Ngọ quyết tâm tập luyện, tìm kiếm cơ hội để lọt vào danh sách những cầu thủ thi đấu vì màu cờ sắc áo của quốc gia.

Ít ai biết được, đặt mục tiêu phấn đấu từ sớm, nhưng việc thực hiện ước mơ lại không đơn giản. Mỗi người một công việc nên đam mê chỉ được xếp lịch vào thời gian rảnh. Thậm chí, có khi vừa mới mang giày để ra sân đã nhận điện thoại công việc. “Mình làm công an xã, có vấn đề chi họ gọi phải tới liền. Việc công phải ưu tiên hàng đầu. Bù lại, khi có cơ hội, mình và các anh em phải cố gắng hết mình”, Ngọ chia sẻ.

Là những chân sút không chuyên, việc giải quyết nỗi lo từ phía hậu phương cũng là một thách thức. Trong ba gương mặt đại diện cho Huế lên tuyển năm nay, chỉ có Anh Nhân còn độc thân. Bá Cường mới lấy vợ một năm, có con 2 tháng; Văn Ngọ đã yên bề gia thất, chuẩn bị làm cha. Tuy vậy, tinh thần thể thao đã thôi thúc họ, để lần lượt tham dự các giải BĐBB huyện Phú Vang, giải BĐBB Quốc gia và sắp tới là ABG 2016.

Hết mình vì quê hương

Trước khi lên đường tham dự đội tuyển, cả ba cầu thủ chia sẻ, đây không chỉ là niềm vinh dự bản thân mà quan trọng hơn là đóng góp cho vinh quang của thể thao Việt Nam và đem “tiếng thơm” về cho thể thao Huế. ABG 2016 được tổ chức tại Đà Nẵng (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9/2016), cũng là lần đầu Việt Nam đăng cai, nên lời hứa trong lòng họ càng trở nên quan trọng.

Được lên tuyển chỉ là thành công bước đầu. Để giành suất đá chính, những cầu thủ này phải nỗ lực hết mình. Anh Nhân chia sẻ, cầu thủ được gọi lên tuyển đến từ nhiều tỉnh, thành. Là giải đấu mang tầm cỡ châu lục nên ai cũng mơ ước được vào sân ngay từ phút đầu. Cơ hội được chia đều cho tất cả.

Liên tưởng đến tấm huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng tại Olympic Rio 2016, ba chàng trai “vàng” của BĐBB Thừa Thiên Huế có chung một suy nghĩ khó khăn nhưng quyết tâm sẽ làm được. Vì thế, sau những giờ tập luyện vất vả, họ lại lấy hai chữ quê hương để động viên nhau.

Khát khao cống hiến đã được ghi nhận, nhưng quan trọng là việc các cầu thủ thể hiện bản lĩnh của mình. Với quyết tâm cao như hiện tại, hy vọng họ sẽ đem về niềm vui cho người hâm mộ và quê hương.

Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC