The Manor Crow là một trong số ít dự án đảm bảo tiến độ thực hiện

Chậm tiến độ

Trong 24 dự án đã và đang triển khai, ngoài các dự án đang đẩy tiến độ như dự án The Manor Crow, khu phức hợp Thủy Vân, khu đô thị Phú Mỹ An, thì một số dự án ở khu đô thị mới An Vân Dương tiến độ triển khai vẫn chậm. Điển hình là các dự án: khu đô thị mới Mỹ Thượng, khu nhà ở An Đông, khu đô thị mới An Cựu, Đông Nam Thủy An… UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác để tham mưu giải quyết các vướng mắc tại 2 dự án khu đô thị mới An Cựu và khu đô thị mới Đông Nam Thủy An.

Sau 3 năm triển khai, dự án khu nhà ở An Đông của Công ty CP Đầu tư An Dương vẫn chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, chủ đầu tư dự án mới chỉ hoàn thành 40% khối lượng hạ tầng kỹ thuật và 20% khối lượng nhà ở theo kế hoạch.

Bên lề một hội nghị diễn ra đầu tháng 6, ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty CP Đầu tư An Dương chia sẻ: Việc chậm giải phóng mặt bằng, khiến việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn. Cụ thể, tuyến đường mặt cắt 26m đấu nối với QL1A đã thi công hoàn thành chiều dài 488m/568m. Riêng đoạn cuối có chiều dài 80m vẫn chưa hoàn thành do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó, việc đấu nối giao thông từ trục chính của dự án với QL1A chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của dự án. Tuy nhiên được biết, việc đấu nối này vừa được hoàn thành vào đầu tháng 7, chủ đầu tư cũng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khi hoàn thành công tác đền bù GPMB các khu vực còn lại.

Khởi công từ năm 2007, dự án đô thị mới Đông Nam Thủy An có tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng trên diện tích hơn 251.956m², do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư. Theo rà soát của Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị, đến nay, dự án thực hiện chậm hoàn thành hơn 8 năm so với quy định. Mức độ hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật mới chỉ đạt 69%, phần lớn các hạng mục đang còn dang dở hoặc chưa thực hiện. Khối lượng công việc còn lại của dự án cần đầu tư khoảng 54 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban Quản lý khu vực Phát triển đô thị, chậm đầu tư ở dự án khu đô thị mới Đông Nam Thủy An chủ yếu do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. Hiện đơn vị đang nợ đến 422 tỷ đồng và đang bị Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh xử liên quan đến khoản vay và nợ phải trả tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại dự án khu đô thị mới Đông Nam Thủy An.

Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực

Một số dự án trọng điểm tại khu đô thị An Vân Dương vẫn còn vướng công tác GPMB, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị và tiến độ triển khai một số dự án của nhà đầu tư. Trước thực tế đó, ông Hoàng Tiến Minh đề xuất: UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo UBND TP. Huế thực hiện công tác đền bù GPMB và tái định cư dự án tuyến đường mặt cắt 26m trong khu quy hoạch nhà ở An Đông; UBND thị xã Hương Thủy thực hiện công tác đền bù GPMB và tái định cư dự án đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An. Các sở, ban ngành cùng chính quyền địa phương có liên quan tích cực và quyết liệt hơn trong công tác đền bù, GPMB và tái định cư các dự án của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Theo Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh, hiện toàn khu đô thị mới An Vân Dương có 27 dự án được cấp phép, trong đó có 24 dự án đã và đang triển khai; 03 dự án đang thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, 20 dự án đã có chủ trương đầu tư hoặc đang nghiên cứu đầu tư, trong đó có 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư; 06 dự án đang nghiên cứu đầu tư.

Một điểm đáng ghi nhận, đến nay, nhiều tuyến đường ở các khu đô thị mới gần như hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đó là tuyến đường có mặt cắt 56m nối từ đường Thủy Dương - Thuận An đến khu đô thị mới An Cựu; hoàn thành tuyến đường Trường Chinh nối dài đến đường Thủy Dương - Thuận An và đường Tố Hữu đến đường Thủy Dương - Thuận An; Tỉnh lộ 10A, có mặt cắt 36m (đoạn từ QL 49 đến điểm giao của đường Thủy Dương - Thuận An), với chiều dài hơn 2.000m. Sự hình thành các tuyến đường trên đã kết nối đô thị hiện hữu với khu đô thị mới và kết nối tuyến đường Thủy Dương - Thuận An với các tuyến đường trong đô thị. Nhờ đó, rút ngắn được khoảng cách giữa khu đô thị mới với các tuyến phố chính trong khu vực, tạo được hạ tầng kỹ thuật đến các dự án cần kêu gọi đầu tư. UBND tỉnh cùng với các sở, ngành đã liên tục có những cuộc họp bàn rà soát, quy hoạch lại các khu đô thị mới; điều chỉnh một số vấn đề liên quan như biến đổi khí hậu, quy hoạch giao thông tỉnh,... nhằm hoàn thiện dần các khu quy hoạch, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Năm 2016, chúng tôi triển khai nhiều cuộc xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào Thừa Thiên Huế, trong đó có khu đô thị mới An Vân Dương. Với việc kêu gọi đầu tư theo chiều sâu, nghĩa là sẽ thông qua tất cả các kênh ngoại giao, tiếp cận trực tiếp với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, sẽ hạn chế những chủ đầu tư thiếu năng lực.

Hoàng Loan - Khánh Hà