Sử dụng hướng dẫn viên tại điểm đến là giải pháp hiệu quả chấm dứt tình trạng HDV tự do
Làm tốt những giải pháp trước mắt
HDV tự do hoạt động trái quy định, hay người nước ngoài sang hành nghề tại Huế không phải là chuyện mới. Theo thanh tra Sở Du lịch, tình trạng này có xảy ra ở Huế, song nhìn chung vẫn trong vòng kiểm soát. “Giải pháp được áp dụng đầu tiên là tăng cường thanh kiểm tra. Tuy nhiên, ở mỗi điểm đến khi tiến hành kiểm tra, chỉ phát hiện và xử lý trong vòng 15 phút đầu. Sau đó, không còn phát hiện vi phạm nữa, vì các HDV thông báo cho nhau”, ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết.
Thông báo cho nhau để tránh cơ quan chức năng, nhưng nếu thời gian thanh kiểm tra liên tục và kéo dài thì tin chắc rằng tình trạng này sẽ giảm. Một HDV dẫn khách vào tham quan Đại Nội cho rằng, những HDV không có thẻ khi biết có cơ quan chức năng kiểm tra sẽ nhờ bạn bè, hoặc điện thoại về công ty để thay HDV khác. Nhưng chỉ được 1-2 lần, không có công ty nào lại hợp tác lâu dài với HDV không có thẻ; chỉ trừ đó là người thân của nhau.
HDV tự do có cơ hội hoạt động, rõ ràng có sự “tiếp tay” của các doanh nghiệp lữ hành. Ông Trương Thành Minh, phụ trách Phòng Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, thời gian đến sở sẽ gửi văn bản đến tất cả các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn, yêu cầu không sử dụng các HDV tự do để dẫn khách. Nếu sau thông báo mà các doanh nghiệp lữ hành vẫn vi phạm thì xử phạt mạnh bằng cách thu hồi giấy phép kinh doanh từ 6-12 tháng. Đây là mức xử phạt nghiêm vì nếu doanh nghiệp không hoạt động một thời gian thì rất khó để lấy lại thương hiệu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng bộ môn Lữ hành - Hướng dẫn du lịch Khoa Du lịch góp ý: “Ở góc độ của một HDV có nhiều năm hoạt động trong nghề, theo tôi, để giải quyết vấn đề này dứt điểm thì cần có một lộ trình cụ thể. Phải làm tốt những giải pháp trước mắt, có thời gian để thử nghiệm những giải pháp mang tính lâu dài. HDV tự do có cơ hội hành nghề là do thiếu HDV. Các em sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ khi đi thực tập, có thể đến các điểm tham quan để cùng tham gia hướng dẫn. Tất nhiên, cần có lớp tập huấn ngắn hạn để nâng cao nghiệp vụ cho các em. Những sinh viên này rất nhiệt huyết, các em không phải vì tiền mà cần học nghề. Sau kỳ thực tập, các em nổi trội có thể được cấp một thẻ ngắn hạn để tiếp tục cùng tham gia hướng dẫn”.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Huế đang thiếu những HDV ở các ngôn ngữ hiếm. Ngoài hợp tác với HDV ở các địa phương khác, Huế cũng cần tạo cơ chế, tổ chức các lớp nghiệp vụ cho những người từng xuất khẩu lao động ở các nước. Họ có khả năng ngoại ngữ tốt, vướng ở quy định phải có bằng đại học mới được cấp thẻ. Vấn đề này, ngành du lịch Huế có thể mạnh dạn đề xuất, cấp riêng những thẻ có quy định khắt khe hơn cho những người này; vừa tạo được việc làm, vừa giải quyết vấn đề thiếu HDV ngôn ngữ hiếm trước mắt.
Sử dụng HDV tại chỗ
Kiểm soát thông tin từ HDV cung cấp đến du khách rất khó. Ngay cả HDV tiếng Việt đã khó, HDV tiếng nước ngoài càng khó hơn. Sử dụng HDV tại chỗ sẽ là kênh cung cấp thông tin cho du khách chính xác nhất, luôn được kiểm chứng.
Đồng tình với ý kiến sử dụng HDV ngay tại điểm đến, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch khẳng định: “Giải pháp hiệu quả và mang tính lâu dài để chấm dứt tình trạng HDV tự do hành nghề trái phép chính là sử dụng HDV tại điểm đến. Kế hoạch này đã được ngành du lịch và Trung tâm BTDTCĐ Huế bàn đến, song đã hai năm trôi qua vẫn chưa thể áp dụng được”.
Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức khóa đào tạo HDV du lịch tại các khu Di sản thế giới. Với thẻ HDV này, các HDV có thể tham gia hướng dẫn ở các điểm di sản trong nước và khu vực. |
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, HDV du lịch khi đã được Tổng cục Du lịch cấp thẻ thì họ có quyền được hoạt động tại tất cả các điểm du lịch trong nước. Vấn đề chỉ sử dụng HDV ở các điểm di tích đã được xin ý kiến của Cục Di sản Văn hóa. Hướng giải quyết được gợi ý là tùy thuộc tình hình cụ thể của từng địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có những phương án cụ thể. Vì vậy, dù rất muốn song kế hoạch trên vẫn chưa được thống nhất thực hiện. Về ngôn ngữ hiếm, đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh của phòng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu hướng dẫn. Đây cũng là vấn đề cần phải bàn sâu hơn trong thời gian tới.
Tham khảo ý kiến của một số đơn vị lữ hành trên địa bàn, hầu hết đều ủng hộ cách giải quyết là sử dụng HDV ở điểm đến. Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế chia sẻ, ở Thái Lan, biện pháp này đã áp dụng và cho thấy hiệu quả rất cao. Những HDV được cấp thẻ hoạt động phải trải qua những kỳ sát hạch rất khắt khe mới có thể tham gia hướng dẫn. Còn ở nước ta nói chung và ở Huế nói riêng, có thể áp dụng nhưng cần có thêm thời gian để thử nghiệm. Bởi vì, bài toán công việc cho các HDV khá phức tạp. Yêu cầu HDV ở điểm đến chắc chắn sẽ cao hơn so với mặt bằng chung nên không nhiều người có thể vượt qua các kỳ sát hạch. Hơn thế, số lượng HDV ở các điểm đến sẽ không được nhiều, trong khi đó, HDV được cấp thẻ hoạt động hiện nay rất lớn. Với lữ hành, chúng tôi ủng hộ giải pháp này, song các cơ quan chức năng cần có những tính toán phù hợp nhất để thực hiện.
Đức Quang