Cầu Ghềnh bị sập do sà lan va vào trụ cầu.

Tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với chiều dài là 1.726km, trong đó có 1.491 cầu các loại, phần lớn đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm với nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau, tải trọng thiết kế thấp.

Trong quá trình khai thác, nhiều công trình cầu được sửa chữa, khôi phục, gia cố với kết cấu cũ, bán vĩnh cửu để đảm bảo thông tàu, chấp nhận tải trọng thấp, vì vậy vẫn còn tồn tại kết cấu dầm thép tại các cầu thép bị han rỉ nặng, mặt cầu yếu; kết cấu dầm bêtông, mố trụ tại nhiều điểm phát sinh nứt vỡ, hư hỏng và phong hoá vật liệu.

“Mặc dù tuyến đường sắt Bắc-Nam liên tục được khôi phục nhưng chủ yếu là sửa chữa để đảm bảo chạy tàu, không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đúng mức. Vì vậy tình trạng cầu yếu chưa được cải thiện,” lãnh đạo ngành đường sắt nhìn nhận.

Những năm gần đây, nhiều cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước được nâng cấp, cải tạo bằng các nguồn vốn như tín dụng, đầu tư phát triển, sự nghiệp kinh tế, ODA...

“Tuy nhiên, do các nguồn vốn còn hạn hẹp nên chưa có sự đầu tư toàn diện. Vì thế, còn nhiều công trình của kết cấu hạ tầng đường sắt là cầu, cống, hầm... trên tuyến chưa được cải thiện và nâng cấp. Số lượng cầu yếu còn lại lớn, đặc biệt là những cầu được xây dựng từ thời Pháp hoặc những cầu được gia cố cải tạo sau chiến tranh đến nay cũng đã xuống cấp làm cho tốc độ chạy tàu và tải trọng bị hạn chế, an toàn chạy tàu vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi va chạm của các phương tiện vận tải thủy vào các trụ cầu,” báo cáo nhấn mạnh.

Dự án có mục tiêu nâng cấp, cải tạo cầu yếu nhằm tiến tới thống nhất tải trọng, nâng cao tốc độ chạy tàu 120km/giờ; đảm bảo an toàn, chống va xô cho các cầu có thông thuyền đang khai thác trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, góp phần bảo đảm an toàn, liên tục cho giao thông thủy nội địa.

Phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đưa ra giải pháp thiết kế là một số ít mố cũ đánh giá thấy còn tốt được sửa chữa nhỏ cho sử dụng lại đỡ các nhịp dầm có chiều dài nhỏ hơn so với hiện tại hoặc vị trí của các mố trụ được xây dựng lệch đi khởi vị trí mố trụ cũ; sửa chữa hoặc thay thế các kết cấu dầm đồng thời xem xét nâng cấp, cải tạo đường sắt, nền đường sắt, mái dốc (nếu có).

Do xây dựng trên tuyến cũ nên chỉ giải phóng mặt bằng tạm thời trong quá trình thi công xây dựng công trình, dự án không cần thực hiện công tác tái định cư. Vì thế, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.053 tỷ đồng, được triển khai thực hiện từ năm 2017-2018.

Nếu được thực hiện, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải và tốc độ chạy tàu của tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại sẽ được cải thiện, ngăn ngừa tai nạn khi tàu thuyên đâm va vào mố trụ cầu đường sắt.

Theo vietnamplus