Cũng những ngày này cách đây 37 năm - những ngày cuối cùng của chế độ Mỹ ngụy, trên Đài Phát thanh Sài Gòn thường xuyên phát một bài hát với giai điệu trầm buồn: “đừng phân tranh, đừng chán chường và đừng bàn tán trăm đuờng, gặp nhau rồi ngồi xuống, ta một niềm tin. Ngồi quanh đây, ta ngồi quanh đây, non nước này còn dành chỗ cho anh và tôi...”. Có lẽ đây là lời tâm sự và cũng là lời an ủi nhau của một chế độ sắp cáo chung. Nhưng đáng ghi nhận, dù sao bài hát ấy cũng đã góp một tiếng nói cho xu hướng hòa hợp, hòa giải và đoàn kết dân tộc trong thời điểm nhạy cảm của miền Nam lúc bấy giờ.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với sức mạnh thần kỳ, với ý chí giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” các lực lượng vũ trang đã hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Đúng là “một ngày bằng mấy mươi năm”, các quân, binh đoàn, quân binh chủng đã tiến công đánh địch mạnh mẽ như dòng thác cách mạng, như triều dâng thác đổ, cùng với sự nổi dậy giành chính quyền của quần chúng nhân dân ở khắp mọi nơi. Trong thời điểm chiến lược với quyết tâm quyết chiến, quyết thắng này, trên Đài Tiếng nói Việt Nam - phát thanh từ Hà Nội, Đài Giải phóng miền Nam Việt Nam và các đài tỉnh ở vùng mới giải phóng ngày đêm cất vang những ca khúc hào hùng, dậy tràn khí thế tiến quân ra trận. Cho đến nay, những âm vang ngày ấy vẫn như còn vang vọng đâu đây: “Tiến về Sài Gòn, ta tiến về Sài Gòn tiêu diệt giặc thù, ta giải phóng thành đô...”, “Bão nổi lên rồi, từ miền Nam quê hương thân yêu; từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng biền triệu người bừng bừng; thù giặc Mỹ ta quyết tiêu diệt, hòa cùng dòng nguời, giờ tiến công sục sôi đến nơi rồi...”. Một bài hát khác cũng có sức hiệu triệu mạnh mẽ, đó là hành khúc “Quê ta Nam Việt Nam sôi sục căm thù, đau thương giục lòng ta máu đòi nợ máu, công nông mau vùng lên, trí thức mau cùng tiến...”. Đặc biệt, hai bài hát: Giải phóng miền Nam và Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân đã thúc giục và động viên biết bao đoàn quân ra trận để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó: Giải phóng miền Nam, chúng ta thề quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.... hoặc: Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác...

Rồi ngày 30/4 đã đến. Ngày hội non sông - Ngày cả nước Việt Nam toàn thắng. Thời khắc lịch sử, khi chiếc xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng sắt của thủ phủ chế độ Sài Gòn và người chiến sĩ cách mạng đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng cuộc trường chinh vạn dặm, của hai cuộc kháng chiến thần thánh vì độc lập, tự do của Tổ quốc ròng rã suốt 30 năm gian khổ và vô cùng oanh liệt.

Khắp mọi nẻo đường, từ thành phố mang tên Bác đến các tỉnh, thành miền Nam đều hoan ca với bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Ở Thừa Thiên Huế, tuổi trẻ học đường, thành thị, nông thôn đâu đâu cũng vang lên khúc ca khải hoàn: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công... Phố phường, làng xã tưng bừng khẩu hiệu, cờ hoa và các tầng lớp nhân dân sôi nổi tham gia cuộc mit-tinh chào mừng thắng lợi lịch sử 30/4 của dân tộc và Ngày Quốc tế lao động 1/5. Thật sâu lắng và rất đỗi tự hào khi trên các đài phát thanh cả nước ngân vang khúc hát: “Việt Nam, trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận cuối chân trời...”, và vô cùng xúc động khi nghe bài hát “Ngày thống nhất Bác đi thăm, tiếng hát hòa bình vang theo Người, từ Lạng Sơn về Cà Mau vui trong ngày mới. Ngày thống nhất Bác đi thăm nơi bưng biền rạng rỡ chiến công, mừng từ nay Bắc Nam nối liền núi sông...”. Kỷ niệm ngày chiến thắng, chúng ta nhớ ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quân đội và dân tộc anh hùng! Cảm ơn những anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Những văn nghệ sĩ chân chính nói chung, trong đó có những nhạc sĩ là tác giả của những ca khúc cách mạng như: Lưu Hữu Phước, Huy Thục, Huy Du, Phạm Tuyên..., những nhà báo chiến trường, các cơ quan thông tin đại chúng là những binh chủng hợp thành công tác tuyên truyền quan trọng, đã thật sự cổ vũ, động viên, huy động sức mạnh vô địch của triệu triệu quần chúng nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng và góp phần làm nên thắng lợi lịch sử 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Phan Công Tuyên