Ông sinh năm 1943 tại phường Hương Văn. Trước cảnh quê hương bị quân thù giày xéo, cha bị giặc giết khi ông mới 9 tuổi, năm 18 tuổi ông lên rừng theo cách mạng. Ông tham gia vào lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Hương Trà và được tăng phái về làm Xã đội trưởng xã Hương Thạnh (nay là Hương Văn–Hương Xuân) trong thời kỳ khó khăn ác liệt. Với tác phong người lính nhanh nhẹn, lúc ẩn lúc hiện, cải trang khéo léo, ông Lễ đã từng bắt sống thiếu úy tình báo quân đội nguỵ Cao Hiến giữa ban ngày. Chiến công này đã làm nổi danh tên tuổi ông.

Ông Trần Hưng Lễ thắp hương cho đồng đội ở Bia chiến tích Cửa Rừng (phường Hương Xuân-Hương Trà)

Tháng 5/1968, Mỹ nguỵ phản công tái chiếm vùng giải phóng, sư đoàn “Kỵ binh bay” của Mỹ đổ bộ xuống vùng La Chữ (Hương Chữ). LLVT địa phương huyện phối hợp với bộ đội chủ lực Sư đoàn 324 (lúc đó đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư TW Đảng là Chính uỷ sư đoàn) chiến đấu dũng cảm, kiên quyết ngăn chặn. Cuộc đối đầu ác liệt, đầy cam go, giành giật nhau từng mảnh đất, từng chiến hào. Ông Lễ cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị thương nặng. Do chảy máu nhiều, ông đã ngất và bị địch bắt lên trực thăng, đưa ra hạm đội ở Biển Đông. Khi tỉnh dậy, ông đang ở trạm cứu thương của địch. Chúng đưa ông vào trại giam Hoà Cầm (Đà Nẵng) và cuối cùng là nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang). Trong suốt 5 năm (1968 – 1973) ở nhà tù Phú Quốc, ông bị địch tra tấn dã man, nhiều lần chết đi sống lại. Với tinh thần dũng cảm, kiên quyết, thà chết không bị khuất phục, ông cùng cán bộ chiến sĩ cách mạng trong tù luôn đấu tranh với chế độ hà khắc của trại giam, động viên nhau giữ ý chí của người chiến sĩ cách mạng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tháng 3/1973, thực hiện Hiệp định Paris, ông Lễ được trao trả tù binh tại sân bay Thiện Ngôn – Tây Ninh. Sau 5 năm xa cách đất liền, ông trở về trong vòng tay đồng đội ở Đoàn an dưỡng D130 miền Đông Nam Bộ, sau đó trở về làm chính trị viên Tiểu đoàn 1- Quân khu miền Đông Nam Bộ. Nhưng vết thương, bệnh tật không để yên cho ông công tác. Tháng 12/1974, ông ra miền Bắc điều trị và tiếp tục đi học. Tháng 2/1975, ông tình nguyện trở lại chiến trường Trị - Thiên và được toại nguyện trở lại Tỉnh đội Thừa Thiên Huế, tiếp tục chiến đấu, góp sức cùng toàn quân, toàn dân giải phóng Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975.

Theo sự phân công của tổ chức Đảng, ngày 19/6/1976 ông được chuyển về Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và được phân công về Ban Tổ chức Huyện uỷ Hương Trà. Công tác cho đến năm 2003 thì ông nghỉ hưu. 

Ông Lễ tâm sự: “Dù cho bệnh tật, vết thương, mảnh đạn vẫn còn nằm trong cơ thể, hành hạ thân xác, nhưng được sống trở về với người thân, với nơi chôn nhau cắt rốn, được đồng đội, đồng chí luôn dành tình cảm ưu ái với tôi đó lại là niềm hành phúc lớn…”.

Những thành tích trong chiến đấu và công tác của ông Lễ đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều lần được tặng danh hiệu: dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ quyết thắng...

Bài, ảnh: Trương Huyền - Xuân Trường