Dự án nhà ở cho CNLĐ còn nhiều bất cập

Đã 12 năm ra đời và phát triển, song đến nay các KCN vẫn chưa hình thành các khu nhà ở dành cho CNLĐ dẫn đến tình trạng công nhân thiếu nhà ở. Trong khi đó, các hộ tư nhân xây dựng nhà ở cho thuê không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Theo thống kê, trong số 71 dự án đã và đang hoạt động tại các KCN, hiện chỉ mới có 2 DN triển khai xây dựng nhà ở cho CNLĐ, đó là Công ty Scavi Huế ở KCN Phong Điền và Công ty CP Sợi Phú Bài ở phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy. Vì vậy, việc quy hoạch phát triển các KCN chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, khu nhà ở cho CNLĐ.

Theo khảo sát của BQL các KCN tỉnh tại 2 KCN lớn là Phú Bài và Phong Điền, hiện trên 30-35% CNLĐ có nhu cầu nhà ở, chiếm gần 4 ngàn người và số CNLĐ này đang phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn và không đảm bảo an ninh trật tự. Mặt khác, do không gian ở chật hẹp nên hầu hết CNLĐ sinh sống tại các khu nhà trọ tự thuê ít có điều kiện xem sách báo, truyền hình, tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao. Các khu nhà trọ của tư nhân đều hình thành tự phát, lộn xộn xen lẫn trong các khu dân cư. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều CNLĐ sa vào các tệ nạn xã hội, làm tha hóa một bộ phận người lao động tại các KCN.

Theo đề án phát triển nhà ở cho CNLĐ tại các KCN, hiện BQL các KCN đang lên danh mục các dự án nhà ở cho CNLĐ để kêu gọi đầu tư. Theo đó, 6 KCN sẽ dành quỹ đất để xây dựng 6 khu nhà ở với tổng diện tích 340,6 ha, tổng vốn 2.116 tỷ đồng. Trong đó, riêng KCN Phú Bài kêu gọi 4 dự án và 5 KCN là Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh 5 dự án.

Một khó khăn lâu nay khiến các DN chưa mạnh dạn và mặn mà đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ bởi đây là dự án mất khá nhiều vốn, song lại không thu lợi nhuận. Mặt khác, bên cạnh việc hỗ trợ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho CNLĐ, tỉnh chưa hỗ trợ kinh phí trong vấn đề giải phóng mặt bằng, chưa quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước sạch... Trong khi đó DN không đủ tiềm lực để triển khai các hạng mục nói trên khiến dự án xây dựng nhà ở cho CNLĐ lâu nay vẫn… còn nhiều bất cập.

Đã có lối ra

Trước thực trạng trên, tháng 5/2011, BQL các KCN tỉnh đã lập đề án phát triển nhà ở cho CNLĐ các KCN, khu kinh tế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tháng 12/2011, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án. Trong đó, mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2015 và năm 2020 có khoảng 50% CNLĐ tại các KCN, khu kinh tế trên địa bàn có nhu cầu nhà ở được giải quyết chỗ ở theo quy định. Theo đó, đến năm 2015 dự kiến quỹ đất để xây dựng nhà ở cho CNLĐ chiếm 10,1 ha, đến năm 2020 tăng lên 11,8 ha; tổng nhu cầu vốn 1.610,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 14 tỷ đồng và vốn huy động từ các thành phần kinh tế 1.596,9 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2011-2015 sẽ tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại 2 KCN đang hoạt động mạnh là Phú Bài và Phong Điền, trong đó ưu tiên 2 dự án của Công ty Scavi Huế và khu nhà ở cho CNLĐ tại khu 8, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy với tổng nhu cầu vốn khoảng 738,3 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2015-2020 sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại tất cả các KCN và Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô với tổng nhu cầu vốn chiếm 872,6 tỷ đồng.

Ông Phan Quang Vinh, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: “Theo Quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư xây dựng nhà cho cho CNLĐ tại các KCN được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào như đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin…; được hỗ trợ tín dụng đầu tư; đồng thời chủ đầu tư quản lý khu nhà ở cho CNLĐ KCN được phép kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà ở để tạo nguồn bù đắp chi phí quản lý vận hành, bảo trì công trình nhằm giảm giá cho thuê nhà ở.”

Theo đề án này, phấn đấu đến năm 2015 sẽ giải quyết chỗ ở cho trên 10 ngàn CNLĐ tại các KCN; đến năm 2020 sẽ giải quyết chỗ ở cho gần 13 ngàn CNLĐ. Để thực hiện được mục tiêu trên, BQL sẽ xem việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ các KCN là một nhiệm vụ gắn liền với quá trình phát triển bền vững của DN và chủ đầu tư hạ tầng KCN; đồng thời các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN phải đưa vào danh mục dự án nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, BQL sẽ vận động, ưu tiên quỹ đất để các DN triển khai đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho các DN nhằm động viên, khuyến khích DN tích cực tham gia.

Như vậy, vấn đề nhà ở cho CNLĐ tại các KCN đã có lối ra từ đề án phát triển nhà ở mà UBND tỉnh phê duyệt, mở ra một cơ hội và tín hiệu vui cho các CNLĐ đang có nhu cầu về nhà ở tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đề án xây dựng nhà ở cho CNLĐ sớm triển khai thực hiện, rất cần sự hỗ trợ kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng của UBND tỉnh, công tác xúc tiến đầu tư của BQL các KCN tỉnh và đặc biệt là sự chung sức và liên kết giữa 3 bên, gồm: các nhà đầu tư hạ tầng KCN, các DN và chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Hàng ngàn công nhân tại các KCN phải sinh sống trong các khu nhà cho thuê không đảm bảo an ninh trật tự

Trên 12 ngàn CNLĐ tại các KCN đang rất cần những khu nhà ở để yên tâm công tác