Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại thời điểm trước khi các trường tải dữ liệu về xét tuyển, đã có trên 396.000 thí sinh đăng ký vào hơn 602.000 lượt trường.

Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Vì vậy, để loại trừ thí sinh ảo, nhiều trường xác định điểm chuẩn thấp để số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu từ 15% đến gần 50%.

Qua thống kê điểm chuẩn đợt 1 của các trường cho thấy, hầu hết những trường top trên, mặc dù điểm chuẩn đều ở mức cao, nhưng so với năm 2015 đều giảm nhẹ từ 0,5 đến 2 điểm tùy theo từng ngành.

Những trường top trên, mặc dù điểm chuẩn đều ở mức cao đều giảm nhẹ từ 0,5 đến 2 điểm tùy theo từng ngành.

Các trường top giữa, top dưới (gồm cả trường công lập và ngoài công lập) có nhiều ngành điểm chuẩn đều từ mức điểm sàn. Với mức điểm chuẩn trúng tuyển đã công bố, hầu hết các trường đều có số thí sinh trúng tuyển dôi dư từ 15% đến gần 50% so với chỉ tiêu xét tuyển. Theo lý giải của các trường, do năm nay thí sinh được nộp 2 trường trong đợt 1, nên rất khó dự đoán được tỷ lệ thí sinh ảo.

Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, nhà trường dự kiến tỷ lệ ảo trên 15% để tính mức điểm chuẩn trúng tuyển, nhưng cũng lo sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.

Ông Thụ nói: “Cơ hội của các em trúng tuyển nhiều hơn đồng nghĩa với việc các trường cũng phải chấp nhận có thí sinh ảo khi gọi.

Để phòng tránh, chúng tôi cũng phải nghiên cứu rất kỹ dải điểm, phổ điểm, số lượng thí sinh đăng ký trong nhóm GX, bao nhiêu thí sinh đăng ký ngoài nhóm GX. Trên cơ sở đó chúng tôi lựa chọn hệ số ảo cho phù hợp nhất, cuối cùng tuyển được thí sinh đúng với chỉ tiêu đặt ra, nếu thừa Bộ Giáo dục - Đào tạo phạt. Còn thiếu cũng rất khó khăn cho các trường trong quá trình tổ chức đào tạo trong năm tới này”.

Trong cơ sở dữ liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho các trường đã có thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để các trường tham khảo, phán đoán và lọc ảo.

Tuy nhiên, nhiều trường công lập không muốn tuyển nguyện vọng bổ sung nên đều cố gắng xác định điểm chuẩn thấp để có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển dôi dư lớn so với chỉ tiêu. Nhiều trường top dưới, trường đại học địa phương, số thí sinh trúng tuyển cao hơn từ 30% đến 50% so với chỉ tiêu tùy theo từng ngành.

Ông Cao Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) nói: “Những ngành khó tuyển mình cứ lấy vượt chỉ tiêu lên để sau đó xuống là vừa. Những ngành dự kiến điểm cao lấy vượt vừa thôi. Vượt thế nào để không bị phạt, cũng có một số ngành lấy vượt lên khoảng 30 đến 40%, sau đó xuống là vừa. Các em đến không đủ chúng tôi sẽ lấy đợt 2”.

Cũng vì lo thí sinh ảo nên năm nay, sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, nhiều trường đã công khai luôn danh sách thí sinh trúng tuyển, gửi phiếu báo trúng tuyển cho thí sinh, như: Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Luật...

Ông Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, trường xác định số thí sinh trúng tuyển cao hơn từ 25% đến 45% so với chỉ tiêu tùy theo từng ngành. Cùng với công bố thí sinh trúng tuyển, trường cũng trực tiếp liên lạc với sinh bằng nhiều hình thức để xác nhận thí sinh có nhập học hay không.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, bị phạt và Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu các trường dự tính tỷ lệ thí sinh ảo không hợp lý dễ dẫn đến tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu mà chất lượng đầu vào lại thấp.

Theo VOV