Hộ ông Nguyễn Viết Hiếu cấp tập thu hoạch cá tránh thiệt hại
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Những ngày qua, hộ ông Nguyễn Viết Hiếu (thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ) cấp tập thu nốt những lồng nuôi cá diêu hồng còn lại để tránh thiệt hại. Hộ ông Hiếu thả nuôi 10 vạn con cá diêu hồng ở 13 lồng tại khu vực đập Quao của hồ Hòa Mỹ. Sau 4 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 7-8 lạng/con. Trong các ngày 5-6/8, sau trận mưa dông, cá bắt đầu chết hàng loạt, 9/13 lồng nuôi cá diêu hồng của ông Hiếu bị thiệt hại hoàn toàn.
Theo ông Hiếu, mặc dù thời gian gần đây, mực nước trong hồ xuống khá thấp, dưới mực nước chết. Như mọi năm, ông đều thả mật độ từ 3.500-5.000 con/lồng, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Những ngày gần đây, hộ ông Hiếu đang huy động hết máy chạy sục oxy để cứu 4 lồng nuôi cá còn lại và cấp tập gọi thương lái bán cá để tránh thiệt hại.
Tại hồ Mụ Phương (thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu), những ngày gần đây cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên chết hàng loạt, gây thiệt hại cho những hộ dân thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản tại đây. Ông Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ Địa chính- Môi trường xã Phong Thu cho biết: “Từ tháng 3 đã xảy ra hiện tượng cá chết một lần, số lượng khá lớn. Ngày 8-9/8, do thời tiết nắng nóng, các loại cá như cá diếc, cá mè, cá tràu tại hồ Mụ Phương bị chết trắng hồ. Đây là số cá do các chủ đấu hồ nuôi và một phần cá tự nhiên”.
Các ngành chức năng khuyến cáo hộ dân nuôi cá cần thả mật độ thưa để tránh thiệt hại
Hồ Mụ Phương rộng khoảng 2ha, nằm cách điểm tập kết rác thải của huyện Phong Điền khoảng 1km. Các hộ nuôi cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết, vào những ngày mưa, nước từ khu tập kết rác thải của huyện chảy về khu vực này, gây hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến cá chết hàng loạt.
Không có độc tố
Sự việc cá chết trở nên phức tạp khi hộ ông Nguyễn Viết Hiếu cho người dân ở các thôn trên địa bàn lấy về sử dụng làm thức ăn gia súc. Chiều 6/8, hộ ông Nguyễn Văn Khiên (thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ) có lấy cá từ lồng nuôi của ông Hiếu mang về nấu cháo cho lợn. Đến tối cùng ngày và sáng 7/8, ba con lợn (trọng lượng từ 5-6kg/con) của hộ gia đình ông Khiên đều lăn ra chết và hai con lợn Móng Cái ở bản Hạ Long cũng xảy ra hiện tượng sình bụng, chướng hơi sau khi ăn cá chết.
Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Việc cá lồng nuôi, cá tự nhiên chết trong thời gian qua là do hiện tượng thời tiết. Hiện nay, trong thời điểm nắng nóng kéo dài, gặp mưa rào làm thay đổi đột ngột môi trường nước; các chủ hồ nuôi thường thả cá với mật độ dày gấp 2-3 lần tiêu chí nuôi bình thường, nên cá bị ngột, thiếu oxy dẫn đến chết”. |
Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết: “Ngay sau khi có thông tin lợn chết do ăn cá từ lồng nuôi hộ ông Hiếu, UBND xã Phong Mỹ đã báo cáo cho các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn biện pháp xử lý. Địa phương đã vận động người dân trên địa bàn các thôn của xã không sử dụng thực phẩm cá chết và yêu cầu giao nộp số cá còn lại (gồm 3.720kg cá khô, mắm của 82 hộ dân), tiến hành tiêu hủy đúng quy định”.
Ngày 8/8, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh đã lấy 1 mẫu cá diêu hồng và 1 mẫu phủ tạng lợn chết để đưa đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế kiểm nghiệm. “Kết quả kiểm tra cho thấy các chỉ tiêu về kim loại nặng như chì, crom, thủy ngân, cadimi và các chất phenol, cyanua đều không phát hiện; các chất Pb, Cr, Hg, đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, việc cá diêu hồng nuôi tại lồng ở đập Quao, và lợn sữa chết trên địa bàn xã sau khi ăn cá không phải do nguyên nhân từ kim loại nặng hay nhiễm độc tố”, ông Chung khẳng định.
Về nguyên nhân số lợn ở Phong Mỹ bị chết sau khi ăn cá tại lồng nuôi ông Nguyễn Viết Hiếu, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Trạm chăn nuôi và thú y và các ban ngành cấp huyện đã kiểm tra 3 con lợn bị chết và mổ khám nghiệm, lấy mẫu phủ tạng. Kết quả cho thấy không có độc tố, lợn chết không do bệnh lý. Nguyên nhân là do lợn con đường ruột thường yếu, khi ăn nhiều, gây nên hiện tượng sốc đạm”.
Về hiện tượng lợn Móng Cái ở bản Hạ Long bị sình bụng, chướng hơi sau khi ăn cá, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phong Điền đã kiểm tra, tiến hành theo dõi và thấy bệnh trạng tiến triển tốt. Yêu cầu các hộ dân nuôi cá lồng tăng cường sục khí các lồng nuôi, phân thưa mật độ cá nuôi và chuyển vị trí bè đến mực nước sâu phù hợp.
Tại địa bàn xã Phong Thu, ông Ngô Quang Quý, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Ngay khi hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Mụ Phương xảy ra, Phòng TNMT phối hợp Phòng NN&PTNT huyện đã về lấy mẫu gửi kiểm tra, tìm nguyên nhân cá chết. Hiện nay, chưa có kết quả kiểm tra nên chưa thể khẳng định cá nuôi và cá tự nhiên bị chết có phải do bãi tập kết rác của huyện gây ô nhiễm nguồn nước hay không?”.
Qua kiểm tra một số chỉ tiêu môi trường thông thường tại các lồng nuôi cá trên địa bàn huyện Phong Điền, cho thấy các chỉ tiêu như oxy, kiềm, thấp hơn mức cho phép; còn các chỉ tiêu N03, PH, NO4… nằm trong ngưỡng cho phép. Các ngành chức năng khuyến cáo các hộ dân nuôi cần thả nuôi cá với mật độ phù hợp; bổ sung thức ăn vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Hà Nguyên