Du khách xuôi dòng Ô Lâu (Ảnh: Thượng Hiển)
Chưa tương xứng
Tháng 5/2015, tour du lịch dọc sông Ô Lâu được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền đưa vào hoạt động. Tour có bốn điểm nhấn, bao gồm ở thượng nguồn với mô hình du lịch sinh thái; xuôi dòng về tham quan làng cổ Phước Tích đây là điểm nhấn. Điểm nhấn thứ ba là tham quan các làng nghề ở hai xã Phong Hòa và Phong Bình và điểm nhấn cuối là ở hạ nguồn Ô Lâu với khám phá rừng ngập mặn kết hợp thưởng thức thủy sản tươi ngon được đánh bắt trên phá Tam Giang.
Dẫn chúng tôi thực tế tuyến điểm của tour dọc sông Ô Lâu, ông Trần Quang Cườm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền chia sẻ, tour này đang gặp khó, dù được đánh giá hấp dẫn, xây dựng được chuỗi các điểm đến đa dạng dọc theo con sông. Trong bốn điểm nhấn, khách chủ yếu đến tham quan ở làng cổ Phước Tích. Các điểm khác hầu như chưa đón được khách.
Ông Thái Ngọc Thuận, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho hay, lãnh đạo huyện nhiều lần họp bàn để giải quyết khó khăn cho tour du lịch này. Khả năng quảng bá cho tour còn hạn chế và các sản phẩm hỗ trợ, như dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, homstay còn thiếu. Huyện đã nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp địa phương đầu tư, phát triển du lịch, nhưng chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn triển khai. Ngoài làng cổ Phước Tích đã hình thành được một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh, các điểm đến khác chưa hình thành được dịch vụ khép kín, dù nằm trong kế hoạch.
Du khách tham quan làng cổ Phước Tích
Làng cổ Phước Tích đầu tháng 8, khách khá vắng vẻ. Nhà ông Hồ Văn Tế và bà Hồ Thị Thanh Nga đều khép cửa. Bà Nga chia sẻ, từ đầu năm đến nay nhà bà mới đón được hai đoàn khách với 15 người ngủ qua đêm. Khách đến ăn trưa nhiều hơn, nhưng nguồn thu được rất ít, vì lượng khách không ổn định. Trong tour Ô Lâu, đi thuyền dọc con sông được khá nhiều khách ưa thích nhưng lại e ngại độ an toàn không cao và thuyền chưa có mái che.
Cần chủ động kết nối
Tổng lượng khách đến Phước Tích trong năm 2015 là hơn 1.240 khách; trong đó, 440 khách thông qua Ban quản lý và 800 khách tự do; trong 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 1.059 khách đến Phước Tích, trong đó, 559 khách thông qua Ban quản lý và 500 khách tự do; có 4 gia đình tham gia dịch vụ lưu trú và có thể đón 27 khách/đêm. |
Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch DMZ cho hay, cái khó của làng cổ Phước Tích và tour du lịch dọc sông Ô Lâu nói chung là sự thiếu kết nối giữa điểm đến và lữ hành. Nếu một sản phẩm được đưa ra mà không có nguồn khách ổn định, sẽ không duy trì hoạt động được lâu dài. Đơn vị quản lý tour này cần tăng cường quảng bá, chủ động kết nối với lữ hành để tạo được sự liên kết giữa điểm đến, lữ hành và du khách.
Thúc đẩy sự phát triển của toàn tour, trước tiên phải hoàn thiện dịch vụ, tạo điểm nhấn cho Phước Tích. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển du lịch cộng đồng tại Phước Tích; tăng cường kết nối du lịch cộng đồng giữa làng cổ Phước Tích với các làng nghề và các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện; trong đó, lấy làng cổ Phước Tích là điểm đến chính. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Với đích đến tạo cho du khách khám phá những giá trị văn hóa quý giá của ngôi làng di sản, một bức tranh văn hóa Huế thu nhỏ”.
“Đúng là sự kết nối giữa các bên liên quan còn thiếu, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong thời gian đến. Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp ở địa phương, trong tỉnh và các nơi khác; xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá, lên kế hoạch tổ chức hội thảo, mời các lữ hành và các nhà chuyên môn về cùng góp ý cho huyện; thông qua hội thảo có thể có những cam kết hợp tác giữa lữ hành và huyện, giúp tạo nguồn khách ổn định hơn”, ông Thái Ngọc Thuận khẳng định.
ĐỨC QUANG