Giờ học thực hành ở Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế

Đại học không phải là lựa chọn duy nhất

Trước đây, nhiều người cho rằng, học đại học là chìa khóa để mở cánh cổng tương lai. Nghĩa là, đại học chính là con đường “đẳng cấp” nhất để thành công. Thế nên, phụ huynh bằng mọi cách muốn con em mình được “đỗ” đại học. Họ không quan tâm đến sở thích, năng lực, cũng như “đầu ra” của ngành nghề sau này. Hậu quả là, hàng trăm ngàn lao động có bằng đại học thất nghiệp, khi mà “thầy” đông hơn “thợ”.

Chia sẻ với chúng tôi về việc không thi đại học, cao đẳng mà chọn thi tốt nghiệp, em Hoàng Văn Ánh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết: Năm học cuối cấp được thầy cô tư vấn, hướng nghiệp và hiểu rằng, đại học không phải là cánh cửa duy nhất mà còn rất nhiều sự lựa chọn khác phù hợp với năng lực của mình. Chính vì vậy, em lựa chọn thi tốt nghiệp sau đó sẽ nộp hồ sơ xin xét tuyển vào một trường nghề của tỉnh”.

Đại học không phải là chọn lựa duy nhất của thí sinh

hông chỉ các em học sinh, nhiều bậc phụ huynh đã có sự thay đổi trong việc chọn ngành, chọn nghề, không gây áp lực cho con. Chị Lê Thị Ngọc (TP. Huế), tâm sự: “Ngày trước, nhà có 3-4 đứa con đi học đại học là tự hào lắm nhưng giờ tôi đã thấm thía. Cậu con trai tốt nghiệp đại học sư phạm 5 năm vẫn chưa có việc làm nên phải đi học nghề để làm công nhân. Thế nên, nghe cậu con trai thứ 2 muốn học nghề, tôi ủng hộ ngay. Thời buổi này, việc học ở đâu, bằng cấp gì không quan trọng bằng có việc làm ổn định khi ra trường”.

Trường nghề rộng cửa

 Tỷ lệ thí sinh “né” các trường đại học tăng có thể xem là cơ hội lớn cho các cơ sở dạy nghề tuyển sinh. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy các trường, cần phải thay đổi cách đào tạo, nắm bắt cơ hội hiện nay để thu hút người học và làm cho bức tranh đào tạo nghề sau trung học trở nên sáng sủa hơn. Thực tế cho thấy, nhu cầu xã hội về lao động kỹ thuật, lao động qua đào tạo nghề hiện nay đang rất lớn. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn, liệu các cơ sở đào tạo nghề ở Thừa Thiên Huế có đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu thị trường lao động ? Băn khoăn ấy không phải là không có cơ sở khi giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có trên 81.000 lao động qua đào tạo nghề (đạt trên 84%), trong đó, hệ cao đẳng chỉ có 7.600 người, hệ trung cấp trên 10.000 người, còn lại phần lớn hệ ngắn hạn (sơ cấp nghề và dưới 3 tháng).

Nhiều trường thay vì đào tạo dài hạn phải chuyển sang mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm cự. Trong khi đó, học viên của các khóa ngắn hạn lại là những người đã đi làm, muốn học để nâng cao tay nghề chứ không phải là học viên mới. Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động - TB&XH cho rằng, nhiều năm qua, tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn nặng về bằng cấp nên không cho con em học trường nghề. Nhiều trường nghề được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhưng lại  khó tuyển sinh nên chưa khai thác hết cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề so với quy mô đầu tư.

Các trường có nghề trọng điểm và trường nghề chất lượng cao ở tỉnh đã được quy hoạch lại. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 44 cơ sở dạy nghề thì cuối năm 2015, chỉ còn 29 cơ sở có đào tạo nghề, trong đó, có 3 cơ sở trung ương và 26 cơ sở địa phương. Thừa Thiên Huế có 6 trường và 12 nghề được Bộ Lao động - TB&XH chọn đầu tư nghề trọng điểm, gồm, nghề đạt cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực ASEAN và nghề đạt cấp độ quốc gia. Hệ thống dạy nghề đã và đang đổi mới theo hệ thống giáo dục mới với 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; chuyển đào tạo từ cung sang cầu theo nhu cầu thị trường lao động.

Trong vòng 5 năm, tỉnh huy động trên 358 tỷ đồng đầu tư phát triển dạy nghề, trong đó, khoảng170 tỷ đồng xây dựng cơ bản ở các trường nghề. Đội ngũ giáo viên đều tăng cả chất lượng lẫn số lượng. Chỉ tính số giáo viên có trình độ thạc sĩ đã có 361 giảng viên (tăng 286 người so với năm 2010). Chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực, khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp cao đăng nghề và 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Bài, ảnh: Huế Thu