Trong những vụ án hình sự, thường bị cáo “kéo” theo rất nhiều người thân đến phiên tòa. Vậy nhưng trường hợp này hoàn toàn ngược lại.

T. làm công nhân, nhưng lại nói với anh V., mình là trưởng phòng kế toán một công ty và vừa xin việc cho người quen vào dạy ở một trường tại TP Huế. Anh V. tưởng thật, vội vã nhờ xin việc giùm cho bạn mới tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao Đà Nẵng. Muốn có tiền tiêu xài nên gần cuối năm 2011, T. gọi điện thoại giả vờ nói mình đã xin được việc cho bạn anh V., dặn chuẩn bị hồ sơ cùng với số tiền 4 triệu đồng. Anh V. tưởng thật. Sau khi cầm hồ sơ và số tiền nêu trên, T. nhận thêm 1 triệu đồng của nạn nhân rồi “lặn” mất tăm. Đến ngày hẹn, anh V. không thấy động tĩnh gì, nhiều lần gọi điện thoại cho T. nhưng không liên lạc được, nên cùng người bạn đến công ty (nơi T. nói T. làm trưởng phòng kế toán) hỏi thì mới tá hỏa vì ở đây không có ai là T. cả. Biết bị lừa, bạn anh V. tìm cách liên lạc với T. để đòi lại tiền nhưng không có kết quả vì T. cố tình lẩn tránh, nên gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an. Lúc này, T. mới trả lại cho nạn nhân 5 triệu đồng.
 
Xét hành vi của bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an; tuy nhiên, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tự nguyện bồi thường thiệt hại, thành khẩn khai báo, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo... nên tòa án tuyên phạt T. 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
T. rớm nước mắt: “Cho đến lúc trước khi tòa tuyên án, em cứ chếnh choáng vì nỗi sợ hãi phải đi tù. Nếu phải vô “trong đó” ngồi thì đứa con mới 4 tuổi của em không biết sẽ ra sao. Tòa cho hưởng án treo là thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, em rất mừng và cảm động. Nhưng, có một nỗi lo lắng hoang mang khác đè nặng tâm trí. Bởi từ ngày biết em “trót dại”, cha mẹ, người thân giận đã đành, chồng em lại càng lạnh nhạt (người thân của T. là những người lương thiện, chồng T. là cán bộ trong một cơ quan Nhà nước), căng thẳng, đòi ly hôn. Anh ấy nói, hành động của em làm anh ấy xấu hổ, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Chồng em không muốn vì em mà bị xấu lây. Nếu anh ấy cứ một mực như vậy thì gia đình em tan mất. Em chẳng biết phải làm sao?”
 
Nhân danh Nhà nước và pháp luật, hội đồng xét xử đã tuyên một mức án và biện pháp chấp hành hình phạt phù hợp, mở ra cho T. cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Nhưng thực sự lấp được “khoảng trống” trong tình cảm của người thân, giữ được gia đình không tan vỡ sau lỗi lầm này, bản thân T. phải nỗ lực cố gắng rất nhiều, để tự tạo ra cơ hội.
 
Quỳnh Anh