Lò ngừng đốt, mìn vẫn nổ...
Bà Phan Thị Huê, Hoàng Thị Nhung, ông Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Đình Đấu, trú tại kiệt 4 Long Thọ bức xúc, nghe nói Nhà máy xi măng Long Thọ sẽ di dời đi nơi khác, chúng tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn chưa thấy nhà máy dừng hoạt động; vẫn nổ mìn khai thác đá. Hơn nữa, việc nổ mìn thường diễn ra vào buổi trưa và sáng sớm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Lượng đá khai thác ra, nhà máy đổ cao, bao bọc cả đường đi và khu dân cư, che khuất tầm nhìn, gây mất an toàn, ứ đọng nước vào mùa mưa. Lượng xe to chở đá khai thác chạy vào, chạy ra liên tục, gây bụi, khói, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Có 20 hộ trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc nổ mìn.
Mỏ đá vôi Long Thọ được tiếp tục cấp phép khai thác
Ông Hoàng Trọng Chúc, Bí thư chi bộ tổ 19 phường Thủy Biều cho biết, trước đây, người dân đã nhiều lần phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường của nhà máy. Năm 2015, nhà máy đã cho ngừng lò đốt, tình trạng ô nhiễm môi trường có giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác đá vẫn còn tiếp diễn, dây chuyền nghiền đá của công ty vẫn còn hoạt động gây tiếng ồn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của 2 tổ 18 và 19.
Ông Võ Văn Trung, Giám đốc điều hành mỏ Long Thọ cho biết, trước đây, đất đá của mỏ đổ ở bãi B, từ năm 2012 chuyển qua bãi A, nhưng mỏ chưa nhận được phản ánh gì của người dân. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Riêng vấn đề nổ mìn, chúng tôi sẽ hạn chế nổ vào buổi trưa để không ảnh hưởng nhiều đến người dân trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Thọ khẳng định: Những vấn đề người đân phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nhất là việc đổ đá. Hiện nay, công ty đang nỗ lực khắc phục dần những vấn đề còn tồn tại, nhằm giảm thiểu mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Còn chờ hoàn thiện phương án mới
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, từ năm 2010, công ty tiến hành các bước di dời nhà máy về Cụm công nghiệp Thủy Phương (thị xã Hương Thủy). Giai đoạn 2010-2013, Công ty đã đầu tư số tiền gần 36 tỷ đồng di dời 2 nhà máy gồm: Nhà máy gạch lát Terrazzo, Nhà máy ngói màu và dây chuyền sản xuất tấm lợp Pibroximăng, dây chuyền gạch không nung… Tháng 10/2015, công ty đã cho ngừng lò nung Clinker vì ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Công ty đã chi 3,6 tỷ đồng giải quyết chế độ chính sách cho 80 lao động phải nghỉ việc. Hiện nay, công ty chỉ còn lại mỏ khai thác đá (được UBND tỉnh tiếp tục cấp phép hoạt động) và dây chuyền nghiền đá. Lực lượng lao động của công ty từ gần 400 người giảm xuống còn 300 người. Trong đó, 120 lao động đang làm việc tại Cụm công nghiệp Thủy Phương và 180 lao động đang làm việc tại nhà máy xi măng Long Thọ. Hiện nay, Công ty đã có phương án di dời phần còn lại về Thủy Phương, nhưng gặp khó khăn về kinh phí và đang chờ chính sách hỗ trợ từ tỉnh.
Theo lãnh đạo Công ty CP Long Thọ, hiện tại là thời điểm khó khăn nhất của công ty do phải sản xuất kinh doanh tại 2 nơi. Ngoài tốn chi phí vận chuyển nguyên vật liệu thì chi phí quản lý, đưa đón công nhân cũng tăng. Ngoài ra, để di chuyển hoàn thành những dây chuyền sản xuất còn lại, công ty phải mất từ 6 đến 9 tháng. Trong thời gian này, công nhân phải nghỉ việc và công ty phải trả lương trợ cấp ngừng việc cho khoảng 90 công nhân với số tiền gần 3 tỷ đồng… Lãnh đạo công ty mong muốn tỉnh có phương án giải quyết dứt điểm và có lộ trình rõ ràng trong giải ngân nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ di dời… để công ty sớm ổn định sản xuất, kinh doanh nơi mới.
Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá: Công ty CP Long Thọ đã tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về di dời nhà máy. Tuy nhiên đến nay, việc di dời nhà máy đã chậm trễ nhiều so với yêu cầu.
Để đảm bảo hiệu lực thực thi và đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy xi măng Long Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thống nhất phương án di dời nhà máy xi măng Long Thọ và phê duyệt chậm nhất trước ngày 30/9/2016 để triển khai ngay công tác di dời từ đầu năm 2017. Tổ công tác 1327 và Công ty CP Long Thọ phải nghiên cứu nhiều phương án di dời theo hướng có phương án tổng thể và phương án từng hợp phần, chia thành từng giai đoạn có lộ trình cụ thể. Các phương án di dời phải có lộ trình thực hiện cụ thể; phương án phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng; phương án khai thác sử dụng đất sau khi tiếp nhận mặt bằng; nguồn chi phí thực hiện. Giá trị công trình, máy móc, trang thiết bị phải được xác định trên cơ sở giá trị đã tính toán, định giá khi cổ phần hóa doanh nghiệp và được tính khấu hao đến thời điểm di dời…
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, đối với nhà máy xi măng Long Thọ, tỉnh đã cho thành lập Tổ công tác 1327 do Sở KH-ĐT chủ trì nhằm xây dựng phương án di dời. Trong đó, ngoài công tác bồi thường, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết chính sách cho người lao động thì phải có phương án kêu gọi nhà đầu tư vào khu đất này sau khi hoàn trả mặt bằng. Trước đây, tổ công tác đã xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ công ty với số tiền là 90 tỷ đồng để di dời, nhưng tỉnh chưa thống nhất và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để đề ra phương án khác với giá trị bồi thường thấp hơn trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Hiện nay, tổ đang tiếp tục hoàn thiện phương án mới trình UBND tỉnh vào cuối tháng 8/2016 để xem xét, quyết định. Hiện tại, Tập đoàn Bitexco đang nghiên cứu đề đầu tư vào khu đất này. Đây là thuận lợi lớn để tỉnh có nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ công ty CP Long Thọ sớm di dời. Tuy nhiên, Công ty CP Long Thọ phải chủ động hơn nữa trong công tác hoàn thành việc di dời, chấm dứt tình trạng ô nhiễm trong khu vực nội thị. Thanh Hải |
Bài, ảnh: Hải Huế