Mùa thanh trà Thủy Biều. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận thương hiệu, cùng với việc tổ chức lễ hội, quảng bá, thanh trà Thủy Biều đã đi xa hơn. Tuy nhiên, trò chuyện mới hay, trong tổng sản lượng 400-600 tấn mỗi năm thì đầu mối tiêu thụ lớn truyền thống vẫn là chợ Đông Ba. Để được dán nhãn “chứng nhận”, quả thanh trà phải đạt trọng lượng 600gr trở lên kèm thêm các tiêu chí phụ về mặt hình thức. Thời gian trước, thanh trà Thủy Biều có mặt ở một số siêu thị Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nhưng sau đó thì ngưng hẳn vì lý do không cạnh tranh được với thanh trà “tự do”. Bởi do tâm lý người tiêu dùng thích rẻ, trong khi thanh trà đạt chuẩn dán logo giá thành cao cộng thêm chi phí vận chuyển nên đội giá bán. Vậy là một sản phẩm có tem nhãn hẳn hoi lại thua mặt hàng trôi nổi!

Cách đây chừng năm, bảy năm về trước, tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ) do anh Huỳnh Huy Tuệ - điều phối viên đến Thủy Biều khảo sát số thanh trà gốc không bị lai tạp. 50 là con số khiến nhiều người sửng sốt. Thế rồi anh cùng những cộng sự hướng dẫn người dân phát triển loài cây này theo hướng an toàn, lập website xomxanh.com quảng bá cho thanh trà. Những cây thanh trà gốc này được đánh dấu, xác định độ tuổi, trái cũng được đánh số theo dõi. Giá thành thanh trà gốc bán ra luôn cao hơn và khách hàng biết rõ gốc gác sản phẩm mình mua.

Trở lại vườn thanh trà nổi tiếng trong xomxanh, tôi được nghe cả câu chuyện dài của chủ vườn Hồ Xuân Đài. Thanh trà vườn này theo chân những người yêu thích loại trái ngon nức tiếng sang Pháp, Nhật… Kế thừa gia trang của cha ông để lại, khu vườn và ngôi nhà này thực sự là không gian xanh đúng nghĩa, thế nên hầu như ngày nào cũng có khách du lịch ghé thăm. Ngoài gốc thanh trà 70 năm tuổi (từng được lấy mẫu đưa sang Nhật đo độ tuổi), vườn còn hơn 10 gốc khác được nhân giống từ cây mẹ lớn tuổi nói trên. Quả của cây thanh trà 70 năm tuổi đạt giải nhất trong cuộc thi trái ngon thanh trà ở Thủy Biều năm 2012. Từ trước đến nay, ông Hồ Xuân Đài chỉ bón phân hữu cơ cho khu vườn, vì thế khi kiểm tra, phát hiện các tỷ lệ trong đất đạt yêu cầu, anh Tuệ khuyến khích ông phát triển vườn thanh trà theo hướng an toàn. Đặc biệt, anh còn khuyến cáo du khách cần thay dép khi thăm vườn để không bị vi sinh vật gây hại xâm nhập. Nghe kể về quy trình “test” vườn của chuyên gia BAJ mới thấy sự cẩn trọng và tầm nhìn xa cho những gốc thanh trà quý này. Tiếc là hoạt động của xomxanh.com với thanh trà Thủy Biều bị gián đoạn vì nhiều lý do. Riêng ông Đài vẫn duy trì việc nhân giống thanh trà gốc và chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh trà “xanh” với nhiều người.

Dùng phân hữu cơ chăm bón thanh trà đang được nhiều nông dân thực hiện, đó là thông tin giám đốc HTX Thủy Biều - Hoàng Trọng Dị chia sẻ. Xu hướng xanh và sạch đang là lựa chọn của người tiêu dùng và là hướng đi của nhiều người trồng thanh trà. Ông Dị cũng cho biết thêm rằng, một công ty tư nhân tại Huế đã làm việc và nhận mua thanh trà dán lô gô chuyển đi TP Hồ Chí Minh; siêu thị Big C Huế cũng đã đặt vấn đề tổ chức ngày hội quảng bá thương hiệu sau khi Lễ hội thanh trà kết thúc. Và mới đây là ý tưởng đưa thanh trà quảng bá trên tàu hỏa trong hội nghị kết nối vận tải đường sắt với doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Nếu tôi nhớ không nhầm, vải thiều Bắc Giang đã được đưa lên thành món tráng miệng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines thì tại sao thanh trà Huế lại không được quảng bá lên xe lửa nhỉ? Có thể lắm chứ!

LINH TUỆ