Khu nghỉ dưỡng Laguna - dự án được đánh giá có hiệu quả. Ảnh: L.Tuệ
Theo mô tả của một số tờ báo, phát biểu của ông Trần Du Lịch được nhiều người tán dương.
Suốt trong nhiều năm qua, tỉnh đã đón nhiều nhà đầu tư, nhưng trong đó có không ít nhà đầu tư do thực lực, hoặc do cách làm; cũng không loại trừ nhà đầu tư không có ý định đầu tư đàng hoàng nên nhiều dự án dang dở (theo như ví von của ông Trần Du Lịch thì có thể gọi là “họa sĩ” tồi). Điều này không khó để nhận thấy, đó là hàng loạt dự án đầu tư ven biển Lăng Cô - Cảnh Dương; các trung tâm thương mại, du lịch ở những vùng “đất vàng” ở đường Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Đống Đa... Xa hơn nữa là khu du lịch Thủy cung Thiên An, công viên nước Ngự Bình, sân gol Thủy Phương chưa làm xong đã “chết yểu”. Vẫn biết đầu tư bao giờ cũng chứa đựng rủi ro, nhưng có vẻ như những dự án như vừa nêu ẩn chứa quá nhiều rủi ro.
Nói đi cũng phải nói lại, Huế đã đón được nhiều nhà đầu tư có thực lực, làm ăn phát triển, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên Huế. Đó là Laguna ở Phú Lộc, một số khu du lịch ở Thuận An... đặc biệt là các nhà đầu tư ở lĩnh vực dệt may, điện năng, vật liệu xây dựng gần đây đã tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh.
Khi thực lực tài chính của chúng ta chưa dồi dào, rất cần nhiều nhà đầu tư đến đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, mang tầm chiến lược phát triển lâu dài. Nhưng điều ấy không có nghĩa là có nhà đầu tư chiến lược thì chúng ta sẽ “bật dậy” và “mới mong phát triển toàn diện” như ông Trần Du Lịch nói.
Sở dĩ nêu vấn đề như vậy là vì: Nguyên tắc đầu tư là đi tìm lợi thế. Lợi thế của Huế ai cũng bảo nhiều, nhưng vì sao hàng chục năm đổi mới kinh tế, kêu gọi thu hút đầu tư vừa qua, các nhà đầu tư không “đọc được gì thế mạnh của Huế” ?! Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, chậm chân rất có thể tụt hậu. Chúng ta có thể hình dung giả thuyết, một số tỉnh có thế mạnh như nhau, các nhà đầu tư chiến lược đã đầu tư vào tỉnh A cả chục năm nay, bây giờ mới tìm đến đầu tư ở tỉnh B. Chắc chắn là tỉnh B mất lợi thế do thời gian và điểm xuất phát. Nếu việc đầu tư này ở cùng một lĩnh vực, thì tỉnh B càng mất lợi thế nhiều hơn.
Còn nhớ cách đây 2 năm, tỉnh có mời các chuyên gia kinh tế nổi tiếng nước ta về Huế trao đổi những vấn đề về phát triển kinh tế của tỉnh, thông qua một hội nghị. Cũng những bài phát biểu xung quanh việc Thừa Thiên Huế muốn phát triển là phải thế này, thế kia... nhưng cuối cùng vẫn thấy nó như thế. Không phải nêu lên nhiều tiềm năng là các nhà đầu tư nhảy vào. Và một vấn đề nữa, chúng ta vừa phải “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, “săn đón” các nhà đầu tư, nhưng phải có cơ chế thẩm định năng lực để sàng lọc những nhà đầu tư thiếu tiềm lực.
Nguyên Lê