Hành khách đến Huế bằng đường hàng không
Chật vật đường bay cũ
Sân bay Quốc tế Phú Bài hiện đang khai thác các đường bay chính, gồm: Huế-TP. Hồ Chí Minh, Huế-Hà Nội, Huế-Đà Lạt, cả hai chiều khứ hồi. Riêng tuyến Huế - Cam Ranh đưa vào khai thác cuối tháng 4 năm nay đã “đóng cửa” từ 11/8.
Với tuyến bay thẳng Huế - Bangkok, hiện chỉ khai thác theo nhu cầu của khách hàng thông qua các hãng du lịch. Khi có khách hàng đăng ký đi du lịch theo tour đến Thái Lan, các hãng du lịch tập hợp danh sách hành khác, nếu đủ số lượng, sẽ thuê chuyến bay thẳng sang Bangkok. Do đó, lịch bay hiện nay không cố định, hành khách được thông báo chuyến đi thông qua các hãng du lịch chứ không như trước đây, chủ yếu qua hãng hàng không.
Tuyến Huế - Đà Lạt khi mới mở chủ yếu khai thác theo lịch trình cụ thể 3 ngày trong tuần, gồm thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Nhưng hiện nay, lịch trình bay có điều chỉnh thay đổi cả chiều đi, lẫn về. Có tháng, chiều về vào thứ 2, chứ không riêng mỗi ngày chủ nhật như trước. Tuyến đi cũng thay đổi theo thứ tự các ngày trong tuần là 3, 5, 7.
Chưa tới 4 tháng hoạt động, tuyến bay Huế - Cam Ranh đã dừng khai thác
Chỉ có các tuyến chính Huế-TP. Hồ Chí Minh, Huế-Hà Nội do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air khai thác, hiện khá ổn định, nhờ duy trì được lượng khách, nhất là thời điểm mùa hè. Song, theo một số đại lý bán vé máy bay, số chuyến bay/ngày cũng giảm so với trước đây.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân một số hãng hàng không dừng hoặc cắt giảm các chuyến bay từ Huế đi các nơi khác là do lượng khách không đảm bảo để duy trì các chuyến bay.
Điều này cũng được ông Nguyễn Tiến Sỹ, phụ trách truyền thông của Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific xác nhận. Ông Sỹ cũng thông tin thêm, nguyên nhân dừng hoặc cắt giảm một số đường bay, như Huế-Cam Ranh do đã hết thời gian thực hiện giá vé ưu đãi, chuyển sang khai thác giá vé bình thường nên lượng khách giảm. Hơn nữa, khách Huế đi du lịch các tỉnh nam miền Trung chưa nhiều, bên cạnh đó, lượng khách đi công tác khá ít nên các chuyến bay thời gian gần đây còn khá nhiều ghế trống.
Cân nhắc khi mở đường bay mới
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên Huế năm 2016 mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG hiến kế, muốn phát triển, Thừa Thiên Huế phải đầu tư thêm cảng, mở thêm đường bay mới. Bà Nga cho rằng, giao thông thuận lợi là điều kiện tiên quyết khi nhà đầu tư lựa chọn đến bất kỳ địa phương nào để đầu tư. Điều bà Nga nói tuy không mới nhưng là thực tế hiện nay với Huế, khi còn khá nhiều địa phương chưa kết nối được đường bay, đó còn chưa kể các đường bay thẳng với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo lịch bay cập nhật năm 2016 tại Sân bay Quốc tế Phú Bài, tuyến Huế-TP Hồ Chí Minh có 16 chuyến bay/ngày, trong đó, Vietnam Airlines có 7 chuyến, Jetstar Pacific Airlines 7 chuyến và Vietjet Air 2 chuyến. Song, thực tế, nhiều nhất mỗi ngày, Vietnam Airlines chỉ có 4 chuyến bay đến TP. Hồ Chí Minh, Jetstar Pacific Airlines từ 1-2 chuyến/ngày; riêng Vietjet Air 6 chuyến/ngày. Có một số ngày, Vietjet Air chỉ khai thác 4-5 chuyến, Vietnam Airlines 3 chuyến, Jetstar Pacific Airlines 1 chuyến. |
Về hạ tầng kỹ thuật, theo Sở Giao thông-Vận tải, Sân bay Quốc tế Phú Bài đáp ứng được các yêu cầu mở đường bay mới. Song, Huế hiện còn ít đường bay được khai thác là do các doanh nghiệp hàng không chưa mặn mà.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thiên Định cho hay, vấn đề mở đường bay mới đã được lãnh đạo tỉnh đề cập và không ít lần làm việc với các doanh nghiệp hàng không. Nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được những cái gật đầu. “Chúng tôi chưa thể hiểu được nguyên nhân tại sao và việc mở đường bay mới hoàn toàn do các hãng hàng không quyết định”, ông Định nói.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời về kế hoạch mở đường bay mới tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên Huế năm 2016, lãnh đạo Jetstar Pacific Airlines cho hay, đang có kế hoạch mở thêm chuyến bay mới Huế-Vinh. Riêng tuyến Huế-Hà Nội hiện đã có Vietnam Airlines khai thác và bởi vì Jetstar Pacific Airlines như là công ty “con” của Vietnam Airlines nên chưa có kế hoạch mở thêm đường bay mới.
Lãnh đạo Jetstar Pacific Airlines cũng khẳng định, việc mở các đường bay mới không khó. Khó nhất là duy trì hoạt động và phải hoạt động hiệu quả. Nếu mở một thời gian mà đóng cửa càng gây tổn thất nặng nề không chỉ cho doanh nghiệp mà cả môi trường đầu tư của địa phương. Do đó, các doanh nghiệp hàng không phải cân nhắc, thận trọng khi quyết định mở đường bay mới.
Cũng theo một số hãng hàng không, các tuyến Huế-Vinh, Huế - Cam Ranh chủ yếu là khách nội địa. Hơn nữa, ngoài phương tiện vận tải hành khách bằng tàu bay, có nhiều loại hình vận tải khác như ô tô, tàu hỏa khá thuận tiện, được người dân lựa chọn.
Đây cũng là kết quả của một cuộc khảo sát nhỏ khi lấy ý kiến người dân về việc lựa chọn phương tiện. Trong đó, đa số các ý kiến chọn phương tiện tàu hỏa và ô tô cho các tuyến Huế - Vinh, Huế - Cam Ranh, do chênh lệch về giá cả, quãng đường không quá dài… Đó cũng là nguyên nhân khiến các hãng hàng không thận trọng trong việc mở đường bay mới. Tất cả các tuyến bay mới đều phải điều tra nhu cầu khách hàng. Nếu lượng khách không đảm bảo, sẽ khó mở đường bay mới. Quá trình khai thác loại hình vận tải này, các hãng hàng không đánh giá, chủ yếu vẫn là phục vụ khách du lịch và đi công tác.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ