Du khách tham quan khu du lịch Tràng An

Tràng An là điểm lựa chọn của chúng tôi khi đến Ninh Bình trong quãng thời gian ít ỏi. Lúc ấy đã là giữa chiều và vẫn còn san sát những con thuyền chờ khách trên bến thuyền hình cánh cung có tên nghe rất mường: Áng Mương. Không kể những cơn mưa lũ ở các tỉnh phía bắc những ngày vừa qua thì vùng đất ngập nước này cũng đang trong mùa nước nổi, bắt đầu từ tháng 3 cho đến tháng 8 hàng năm. Cũng vì thế mà trước khi bắt đầu hành trình trên mặt nước, chúng tôi đã được cho biết là chỉ có thể đi tour 2, với hai điểm ghé chân là Đền Trình và Hành cung Vũ Lâm và cũng chỉ có thể xuyên qua hang Sáng và hang Nấm – một hành trình quá khiêm tốn so với cả vùng rộng hơn 1.000 ha với 31 thung nước và 49 hang động chỉ riêng tuyến Tràng An. Có vẻ như không ai để ý đến điều ấy vì mọi người vẫn còn thích thú ngắm những núi đá vôi không cao lắm nhưng cũng đủ sừng sững khi mọc lên giữa mặt nước, với những cái tên nghe dân dã mà rất gợi như Mèo Cào, Mâm Xôi, Hòm Sách, Đá Bàn, Nghiên, Mồ Côi, Cô Tiên… Đến từ sông Hương, nhưng tôi cũng phải thừa nhận là mặt nước ở đây rất phẳng, đến nỗi có thể trông rõ màu sắc, hình thù và sự lặng yên của những cây rong tảo ngay dưới đáy thuyền. Dịch chuyển xa hơn một chút sẽ trông thấy những con cá to nhỏ bơi lờ lững trên mặt nước.

Chờ khách 

Hanh và khô, dù tôi đã vốc nước phả lên tay và mặt mình. Mới ngồi một chốc thôi mà mồ hôi rìn rịn lưng áo. Với một chút ái ngại, tôi cầm mái chèo phụ lên nhưng những cái khỏa nước vụng về xem ra chỉ làm cho mái chèo của Thoa nặng thêm, và tay mình chưa gì đã mỏi. Tiếng Thoa nhẹ lên từ phía sau khi bảo, hôm nay các anh chị có duyên đấy, chứ nóng như hôm qua thì chắc khó lòng chịu được. Quay lại chỉ kịp nhìn thấy Thoa vừa đưa tay lên trán gạt mồ hôi với một cái cười nhẹ. Lạ là lưng áo những người phụ nữ chèo thuyền cả trước mặt và những người đang đưa về khách về bến vẫn khô trong khi những người ngồi không như tôi đã bắt đầu đẫm ướt. Có lẽ họ đã thuần việc ở những con đường mòn được định hình trên nước qua không biết bao nhiêu tháng ngày ròng rã.

Đền Trình không rộng. Âm ủ mùi hương đặc trưng kiểu Bắc làm cho không gian thêm phần thâm u. Ngôi đền hình chữ đinh, được lập dựng cả từ hơn ngàn năm về trước để thờ Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ và Trịnh Tú – 4 vị công thần đã cùng vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lập ra nước Đại Cồ Việt. Tiền đường của đền thờ Tả thanh trù giám sát Đại tướng quân và Hữu thanh trù giám sát Đại tướng quân là hai vị trung thần của nhà Đinh. Có lẽ những công trình này được trùng tu, nâng cấp trong quãng thời gian không mấy xa để phục vụ khách đến “trình”, lễ và thưởng ngoạn nên nhiều hạng mục còn chưa đủ thời gian để kéo về rêu phong.

Thoắt ẩn, thoắt hiện trên những bè gỗ, bè nứa hay có khi là thuyền độc mộc trong các trận chiến là cách mà tôi mường tượng về những nghĩa quân nhà Đinh áo vải cờ lau thuở xa xưa giữa các dãy núi đá, hình dung những cung tên nỏ tre và cật nứa trong các trận chiến với quân thù khi thuyền trở lại dòng Sào Khê. Có lẽ ngay từ thời ấy, cách đây cả ngàn năm trước, ông cha ta đã biết dựa vào thế nước, thế núi hiểm trở để tạo nên những thế trận chống lại quân thù, mang lại thái bình cho muôn dân. Đang trong dòng tưởng tượng, thốt nhiên giữa vùng non nước an bình rộn lên những tiếng ve trong chuỗi hợp âm dài nối đuôi nhau qua các rạn đá. Thời gian đã là của thu rồi mà ve vẫn còn nấn ná dai dẳng? Có những quãng ngân bất chừng lảnh lót đến độ làm cho mấy con le le đang kiếm mồi bên bờ nước cũng giật mình vỗ cánh, dù chúng chả lạ gì người, chả lạ gì thuyền. Ngày mai có khi trời sẽ mưa. Vẫn giọng Thoa từ phía sau trong tiếng chèo khẽ…

Qua hang Ba Giọt với truyền thuyết về mối bi tình của một đôi trai gái, nơi mà những nhũ đá sà xuống thấp như gần chạm vào người đến nỗi mấy vị khách Tây ở thuyền trước phải khom người ngay cả khi đã ngồi sát xuống đáy, Thoa đưa chúng tôi vào thung Nội Lấm để đến Hành cung Vũ Lâm - một công trình kiến trúc mới được phục dựng. Đây có lẽ là một công trình được kiến tạo dựa trên phần lõi chính là miếu thờ các vị thần nhà Đinh. Tương truyền, hành cung này từng là căn cứ của quân dân nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba; cũng là nơi mà sau đó, vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông tu hành, phát quang Phật pháp. Sau này, qua các cuộc khảo sát ở điểm mà công trình mang tên, người ta đã tìm thấy những dấu tích xưa như đồ gốm tráng men, đồ sành, cây gỗ, đường đá, đường đắp đất… để đi đến khẳng định rằng, nơi này chính là một phần của hành cung.

Con đường vào thung Nội Lấm hôm ấy chật những rong và người ta phải cử người vớt để dọn đường cho thuyền qua. Nhờ thế mà tôi có thêm chút thời gian quan sát những bờ cây lúc thúc trên các rạn đá, thấy những chú chim đang bay về tổ trong ráng chiều, thấy vạt sen bên phía trước lá thật to nhưng đang tàn dần và bắt chuyện lâu hơn với Thoa. Không biết người phụ nữ họ Lưu đã 43 tuổi này có phải là hậu duệ xa xôi của Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ không nhưng té ra, Thoa hiền và mặn chuyện hơn nhiều so với cái nghiêm nghị ban đầu. Cô kể, ngày trước, gia đình cô cũng trồng lúa ở vùng này nhưng để tránh nước ròng, người dân ở đây chỉ cấy mỗi lúa chiêm vào vụ đông xuân, thu hoạch được đâu chừng 2 tạ/sào. Kể từ khi khu du lịch sinh thái Tràng An được đưa vào hoạt động và nhất là khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới vào năm 2014, vùng này được ưu tiên làm du lịch. Thoa trở thành 1 trong số gần 2.000 người, đa phần là phụ nữ chèo thuyền ở Quần thể Tràng An. Mùa đông khách, có khi chị em ở đây cũng làm được 2 chuyến/ngày nhưng chỉ tập trung vào dịp lễ, tết chứ hiện tại, 5 ngày Thoa và những người trong các đội thuyền mới được một chuyến. Mùa đông khách, Thoa có thể mang về được khoảng 4-4,5 triệu/tháng nhưng thường như bây giờ, đâu chừng 1,5 đến hơn 2 triệu đồng/tháng đã là được lắm rồi. Thời gian còn lại, Thoa trồng rau, nuôi vài con lợn, con gà và chăm con. Chồng cô thì đã lâu theo thầu đi xây dựng công trình ở khắp nơi, có khi cả tháng mới về thăm nhà một lần.

Hỏi Thoa, 10 năm làm nghề chèo thuyền trên dòng Sào Khê, có trang bị được chút vốn liếng tiếng Anh nào để trò chuyện với khách nước ngoài không, cô cười ngượng nghịu, chúng em cũng được dạy và được học đấy, nhưng mau quên lắm kia. Mà chị tính, giờ đông người, 5 ngày mới được chuyến như thế này, cũng không phải lúc nào cũng gặp khách Tây thì làm sao mà nhớ cho được. Thôi thì cứ cắm cúi lấy ngày, dù kể ra có lúc khách hỏi mà mình không hiểu người ta nói gì cũng ngại lắm, xấu hổ nữa nên cứ cười trừ thôi.

Thuyền gần về đến bến, Thoa quay qua thuyền bên cạnh hỏi, cái Lan đâu mà em không thấy chị Gái? Đưa khách về chậm là người ta mắng chết đấy. Người phụ nữ ở thuyền bên kia quay lại đằng sau í ới, Lan ơi, nhanh lên, làm dáng vừa phải thôi nhớ…! Rồi tiếng chị cười loang trên mặt nước.

Có rất nhiều bóng áo xanh hòa bình ngược ra đường sau khi thuyền cập bến. Trông người nào cũng hao gầy trong dáng đi quày quả. Lúc ấy, sao tôi cứ nghĩ về những tần tảo đời người khi nhớ về chuỗi tiếng ve âm ỉ trên các rạn đá vôi trong bình lặng mặt nước Sào Khê…

NGUYỄN LÊ AN NHI