Đón bằng công nhận Làng nghề truyền thống

Có nghề rèn nổi tiếng xứ Thuận Hóa, từ ngôi làng này, người Hiền Lương đã đem nghề rèn đến với nhiều làng quê khác trong vùng, lần hồi vào đến các tỉnh phía Nam, đem nghề rèn đóng góp nhiều ích lợi cho việc xây dựng giang sơn, bảo vệ bờ cõi, phát triển đất nước. Bởi vậy mà làng Hiền Lương còn được gọi với cái tên thân thương: Làng Rèn. Và người có công đưa nghề rèn đến với Hiền Lương được phong làm Tổ sư, được hậu thế lập đền thờ.

Theo sử sách thì dưới triều Tây Sơn, nhiều thợ rèn Hiền Lương tham gia quân đội, rèn gươm giáo cho nghĩa quân Tây Sơn, trong số ấy có một người họ Hoàng được tuyển chọn để rèn gươm cho chủ soái Nguyễn Huệ.

Vào đầu thời Nguyễn, nhiều thợ rèn Hiền Lương có chân trong ngạch quân võ, Võ khố nha và Bách công Dạ tượng cuộc mà tên tuổi các ngài còn ghi trong sách sử hay như trên quả chuông lưu tại chùa làng. Như ngài Trần Văn Đắc, một thợ rèn có nhiều công lao trong việc đào tạo thợ cho triều đình cũng như ngoài dân gian, được vua Minh Mạng đến vua Tự Đức ban cấp nhiều sắc bằng. Ngài Hoàng Văn Lịch, một thợ rèn Hiền Lương. Do trí thông minh và chịu khó nên việc học nghề sớm thành tài. Đầu triều Gia Long, ông được sung vào ngạch quân võ, thăng dần lên Cai đội, rồi Lãnh binh. Đến cuối triều Minh Mạng, theo lệnh vua ông đã trực tiếp chỉ huy chế tạo thành công ba chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước khác nhau và có tên: Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi. Hoàng Văn Lịch được xem là kỹ sư chế tạo tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam. Theo Hương phổ của làng, ngoài việc có công chế tạo tàu thủy, ông còn rèn được một loại gươm rất sắc bén, cây to một ôm, cũng có thể chém một nhát là đứt; và ông còn chế ra các thứ súng bắn bằng hơi chứ không phải bằng thuốc. Do công lao của mình mà ngài được vua Minh Mạng thụ phong tước Hầu, là một việc hiếm thấy. Đánh giá công lao của ông trong lịch sử đóng tàu thủy chạy bằng máy hơn nước của Việt Nam, trong đợt đặt tên đường phố lần thứ IV năm 2005, tên tuổi của Hoàng Văn Lịch đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế lấy để đặt cho một con đường ở vùng cảng Bãi Dâu, phường Phú Bình, thành phố Huế.

Vào cuối thế kỷ 19, theo Chiếu Cần vương, nhiều thợ rèn Hiền Lương hăng hái tòng quân lên chiến khu Tân Sở, mở lò sản xuất vũ khí chống Pháp. Đầu thế kỷ 20, nhiều thợ rèn Hiền Lương trở thành những người thầy dạy nghề rèn và cơ khí tại Trường Bá công (Bách công kỹ nghệ thực hành đầu tiên của Việt Nam) được lập tại Huế dưới triều vua Thành Thái…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều con dân Hiền Lương làm cách mạng, đem nghề rèn phục vụ kháng chiến cứu quốc trong ngành quân giới, súng đạn, hỏa xa tiêu biểu như các vị Hoàng Trình, Trương Công Cẩn, Hoàng Ngọc Diêu, Dương Phước Phùng...Có người như ông Trần Hữu Nam vừa hoạt động cách mạng vừa đem nghề rèn dạy cho người dân miền núi Thừa Thiên, nên được dân kính trọng gọi bằng danh xưng thân thương: “Ông Cu Đe”... Từ người thợ rèn đi làm cách mạng, về sau họ trở thành những tướng lĩnh, cán bộ trung, cao cấp của Đảng, quân đội, Nhà nước... Và cũng chính nhờ nghề rèn truyền thống mà con dân Hiền Lương sớm được học hành đỗ đạt: thời Hán học đã có nhiều người đỗ đại khoa, cử nhân, tú tài; thời hiện đại nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo... đều không quên cái gốc con dân làng rèn.

Những năm gần đây, trong công cuộc đổi mới đất nước, rất nhiều người con của làng rèn Hiền Lương sống ở mọi miền Tổ quốc đã được phong “Nghệ nhân Bàn Tay Vàng” nhờ có kỹ năng nghề rèn – cơ khí tinh xảo, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Hiền Lương. Nhiều doanh nghiệp cơ khí của người Hiền Lương được thành lập và làm ăn phát đạt.

Nhớ ơn vị Tổ sư và các bậc tiền nhân đã dày công truyền dạy nghề rèn cho dân làng, vào cuối thế kỷ 18, dân làng đã thiết lập một ngôi nhà tranh, rước thần chủ vị Tổ sư nghề rèn vào thờ, sau này ngôi nhà tranh ấy đã trở thành Tổ đình nghề rèn Hiền Lương. Trải qua năm tháng, trên nền xưa cũ, ngôi Tổ đình nghề rèn cũng đã nhiều lần được dân làng sửa sang, từ nhà tranh thành nhà ngói. Kiến trúc theo kiểu truyền thống, chung quanh xây la thành bao bọc, trước dựng trụ biểu tạc câu đối tôn vinh, xây bình phong chắn chướng khí, đào hồ chữ nhật để thả cá, vừa trồng sen làm mát mùa hạ, vừa lấy nước phòng hỏa khi cần.

Ở nội điện Tổ đình, chính giữa thờ Tổ sư nghề rèn, văn tế hàng năm linh bái ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, về sau triều Nguyễn lại gia phong Thái Lợi Chi Thần, cùng phối thờ liệt vị tiên sư. Tả hữu nội điện thờ tiên hiền, hậu hiền trong làng và những người có công với nghề rèn truyền thống, Xuân thu năm hai lần tế bái, chánh giỗ ngài Tổ sư nhằm ngày 18 tháng hai âm lịch hàng năm, con dân của làng và cả những học trò nghề rèn ở mọi miền đất nước thường trở về đây chiêm bái, tri ân Tổ sư nghề rèn và bao lớp thầy thợ ngày trước đã truyền dạy cho hậu thế cái nghề lương thiện “đứng đầu trong bách nghệ”, làm rạng danh ngôi làng và góp phần mở mang cơ nghiệp vững vàng của nghề cơ khí nước nhà hôm nay và cầu mong mọi điều tốt lành. Đồng thời cũng là một cách “bảo thủ hương phong”, lưu giữ những giá trị lịch sử, nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau về một làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế trước những đổi thay của thời cuộc.

Với bề dày truyền thống và những đóng góp to lớn, làng rèn Hiền Lương đã được UBND tỉnh trao Bằng công nhận Làng nghề và Làng nghề Truyền thống.

Với hiện thực ấy, nghề rèn – cơ khí Hiền Lương sẽ có điều kiện phát triển, trở thành điểm hẹn, địa chỉ văn hóa quen thuộc cho du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu về tinh hoa nghề rèn truyền thống, một con đường du lịch từ Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đến với Làng nghề, Làng Văn hóa, Du lịch Hiền Lương soi bóng bên bờ sông Bồ huyền nhiệm, gắn kết nghề rèn truyền thống với lịch sử văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình hội nhập phát triển.

Dương Phước Thu