Phóng viên Nick Út trong quá trình tác nghiệp cho AP tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: AP |
Theo tờ LA Times, khi chụp bức ảnh này, phóng viên Nick Út đang đứng bên vệ đường một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Tại thời điểm đó, ông nhìn thấy một cô bé trần truồng toàn thân rộp lên những vết bỏng do bom napalm gây ra vừa chạy vừa la hét.
Một sự nghiệp lẫy lừng
Sau bức ảnh mang tính biểu tượng về chiến tranh Việt Nam nói trên, phóng viên ảnh Nick Út chuyển đến sinh sống tại Los Angeles (Mỹ), nơi giờ đã trở nên rất thân quen đối với ông. Phóng viên Nick Út thuộc từng con đường, góc phố ở đây đến mức ông không bao giờ cần sử dụng GPS (thiết bị định vị toàn cầu) hay bản đồ khi lái xe.
Chính tại Los Angeles, phóng viên Nick Út đã ghi lại được những khoảnh khắc không thể nào quên của đội bóng rổ Los Angeles Lakers trong Kỷ nguyên Showtime với các huyền thoại Magic Johnson và Kareem Abdul-Jabbar vào cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong sự nghiệp của mình, phóng viên Nick Út còn tham gia vào việc chụp ảnh các phiên xét xử kẻ giết hại con trai của diễn viên nổi tiếng của Hollywood Marlon Brando cùng nhiều vụ án liên quan đến những nhân vật tiếng tăm khác như “Sát nhân bóng đêm” Richard Ramirez, ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson, anh em Menendez và O.J. Simpson.
Ngày 8/6/2007, đúng 35 năm sau bức ảnh nổi tiếng Em bé Napalm, phóng viên ảnh Nick Út lại chụp được những bức ảnh đáng nhớ ghi lại việc nữ nghệ sĩ tai tiếng Paris Hilton khóc lóc trong xe ô tô sau khi nhận được thông tin cô có thể quay trở lại ngồi tù thêm 23 ngày nữa.
Tháng 7 vừa qua, phóng viên 66 tuổi này còn ghi lại cuộc gặp theo kiểu Chỉ có ở Los Angeles giữa Thị trưởng Eric Garcetti, Giám đốc Sở Cảnh sát Los Angels Charlie Beck và các nghệ sĩ nhạc rap Snoop Dogg và The Game.
Phóng viên Nick Út chuẩn bị chụp ảnh một vụ án tại Mỹ hồi tháng 6. Ảnh: LA Times |
AP là gia đình của tôi
Nhiều người cho rằng, nếu không chụp được bức ảnh để đời sau đó đoạt giải Pulitzer danh tiếng, có thể phóng viên Nick Út sẽ không trở thành “người ghi lại lịch sử của Los Angeles bằng hình ảnh”.
“Tôi là người may mắn. Mọi người đều biết bức ảnh mà tôi chụp và họ luôn chào đón tôi”, phóng viên Nick Út thừa nhận: “Bức ảnh ấy đã đem lại sự tôn trọng của mọi người dành cho tôi và giúp tôi có thể tiếp tục công việc của mình”.
Phóng viên Nick Út về thăm bé Kim Phúc tại Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1973. Ảnh: AP |
Sau 51 năm làm việc tại AP, phóng viên ảnh Nick Út công khai tuyên bố ý định treo máy ảnh- ít nhất là không làm mảng tin tức nữa- vào tháng 3/2017. Con trai cả của ông, Michael Huỳnh, 36 tuổi, cho biết, anh không rõ ông có thực hiện nghiêm túc những gì ông tuyên bố hay không: “Ông ấy chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi khi làm việc. Nó giống như hơi thở của ông ấy vậy. Làm sao ông ấy có thể khép lại sự nghiệp của mình như thế?”.
Phóng viên ảnh Nick Út- tên thật là Huỳnh Công Út- sinh năm 1951 tại Long An, có một người anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ cũng làm phóng viên ảnh chiến trường cho AP nhưng ông Huỳnh Thanh Mỹ không may thiệt mạng khi đang tác nghiệp vào năm 1965. Sau đám tang của anh mình, phóng viên Nick Út xuất hiện tại văn phòng APtại Sài Gòn để tìm cách xin việc.
“Những người đứng đầu văn phòng AP không biết phải làm gì với ông ấy. Họ nghĩ rằng, cuộc Chiến tranh Việt Nam đã khiến một người trong gia đình ông thiệt mạng và không muốn mạo hiểm mạng sống của ông ấy”, ông Peter Arnett, phóng viên nổi tiếng của AP từng đoạt giải Pulitzer khi làm tin về Chiến tranh Việt Nam chia sẻ: “Họ khuyên ông ấy nên về nhà, nhưng ông ấy từ chối: “AP giờ là gia đình tôi”.
Bức ảnh định mệnh Em bé Napalm
Xuất phát từ việc làm cho AP, phóng viên Nick Út đã chụp được bức ảnh để đời Em bé Napalm khi đang tác nghiệp về một vụ đánh bom dữ dội tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
Khi đó, ông không nghĩ rằng có người dân nào còn ở lại trong làng cho đến khi một nhóm người- trong đó có trẻ em chạy ngay phía trước một quả cầu lửa lớn. Đám đông vừa chạy vừa la hét hoảng loạn.
Sau khi ông bò lại phía sau chiếc máy ảnh của mình để chụp ảnh, ông phát hiện ra một bé gái đang vừa la hét vừa chạy. Ông vừa nhấn máy vừa nghĩ: “Chúa ơi. Chuyện gì xảy ra với cô bé vậy?”.
“Tôi nhìn thấy từng mảng da của cô bé bong ra và dừng ngay việc chụp ảnh lại. Tôi không muốn cô bé ấy chết”, phóng viên Nick Út chia sẻ và cho biết, trước đó, ông đã chụp được cảnh một bà già đang ôm chặt một đứa bé bị chết trong tay.
Phóng viên Nick Út nhanh chóng đặt máy ảnh xuống và tìm nước để dội lên người cô bé. Em bé Napal Phan Kim Phúc lúc đó hét lên: “Nóng quá! Nóng quá!” và chú của cô đã khẩn khoản nhờ Nick Út đưa cô bé cùng nhiều đứa trẻ khác vào bệnh viện. Nick Út đã đồng ý và sau khi xong việc, ông trở về văn phòng AP để đăng tải những bức ảnh sau đó đã gây rúng động trên khắp thế giới.
Chính người anh quá cố của phóng viên Nick Út đã nhiều lần nói với ông về sức mạnh có thể thay đổi tình cảm và lý trí từ những bức hình được người anh trai của ông chụp.
Bức ảnh Em bé Napalm đã thay đổi sâu sắc quan niệm của người dân Mỹ về cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Tháng 4/1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và hãng tin AP đã đưa phóng viên Nick Út- người đã bị thương tới 3 lần trong quá trình tác nghiệp trong Chiến tranh Việt Nam- về Tokyo.
Tại Nhật Bản, ông sống một cuộc sống khá kín đáo. Những bức ảnh mà ông chụp khi đó đã rất nổi tiếng nhưng bản thân ông lại ít được người Nhật Bản biết đến. 2 năm sau, ông quay về Los Angeles.
Cuộc gặp gỡ lịch sử Nick Út-Kim Phúc
Trở về Mỹ, hãng tin AP cho ông lựa chọn, làm việc tại Washington hoặc California. “Tôi mơ ước được làm việc tại Hollywood”, phóng viên Nick Út chia sẻ. Đây cũng là đam mê của người anh quá cố của ông. “Tôi sẽ được gặp những người nổi tiếng như Ned Thomas Beatty hay Orlando Brando. Họ sẽ nói với tôi: “Nicky, quên công việc đi. Đến nhà tôi và ăn trưa nào”, Nick Út đùa.
Vài năm sau, ông đã tìm cách liên lạc lại được với bà Kim Phúc (nay đã 53 tuổi). Phóng viên Nick Út đã tìm cách thu thập lại thông tin về bà và cùng bà- người hiện là Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc đi khắp thế giới.
Phóng viên Nick Út và bà Kim Phúc tại một cuộc triển lãm bức ảnh Em bé Napal tại Los Angeles năm 2013. |
Dù rất tự hào về bức ảnh đã đem lại tiếng tăm hàng đầu trên thế giới cho mình, phóng viên Nick Út đôi khi không khỏi cảm thấy bức ảnh này đã che mờ rất nhiều những bức ảnh khác sau này của ông.
Tuy nhiên, phóng viên Nick Út vẫn cảm thấy may mắn và biết ơn tấm ảnh định mệnh đó: “Bức ảnh chụp Kim Phúc đã giúp tôi nổi tiếng”.
“Nó có sức mạnh hơn cả những quả bom”, bà Kim Phúc chia sẻ tại Câu lạc bộ Báo chí Los Angeles trong lễ tôn vinh thành tựu trọn đời của phóng viên ảnh Nick Út- người mà bà trân trọng gọi là “cậu Út”.
Trả lời phỏng vấn tờ Los Angeles Times, bà Kim Phúc chia sẻ: “Sự nghiệp của cậu Út chỉ cần một bức ảnh như thế là đã trọn vẹn. Đó là một khoảnh khắc bất tử”./.
Theo VOV