Cảnh chờ đợi mẹ đi chợ về là niềm háo hức không chỉ của riêng tôi. Đó là lúc bọn trẻ con nhà quê thường “lục giỏ” tìm kiếm món đồ chơi hay chút quà ăn vặt. Quà quê đơn giản chỉ là vài cái bánh ú nhân đậu, trái bắp, quả chuối, quả thị, hay một hai lát dừa xắt hình tam giác trắng phau. Hiểu ý các con, mẹ không quên dành chút ít tiền để mua quà vặt. Tuy nhiên, không phải hôm nào cũng có quà. Đồng tiền hồi ấy khó khăn, việc mua quà cho con, dẫu bà mẹ nào cũng muốn, nhưng đôi khi cũng đành “lực bất tòng tâm”. Tôi nhớ có những hôm “đào xới” khắp giỏ mà không thấy quà đâu cả, chị em tôi mặt mày ủ rũ như cái bánh bao chiều, lại quay sang xem bữa cơm hôm nay mẹ cho ăn những gì.

Bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái mùi vị “tổng hợp” toát ra từ chiếc giỏ đi chợ của mẹ. Đó là mùi hương dễ chịu của mớ cải dầm, vị thơm nồng của mớ ớt xanh, mùi đặc trưng khó cưỡng của các loại rau, nhất là rau gia vị, hòa lẫn với mùi tanh khi thì của cá, khi của thịt, tạo nên một mùi vị đặc biệt. Tất cả những món mẹ mua, được các bà bán hàng gói ghém cẩn thận. Các loại gia vị, như ớt bột, hành, tỏi, tiêu, bột ngọt được gói bằng tờ giấy báo cũ. Những cá nục, cá trích, cá liệt, cá cơm hay miếng thịt, lát đậu phụ được gói bằng lá chuối xanh, hoặc chuối khô… Cái mùi tổng hợp đó, chị em tôi thường đùa là “mùi thân thương”, từng nâng đỡ chúng tôi trong suốt thời kỳ gian khó.

Thời ấy, mọi loại gia vị đều mua lẻ, kể cả mỡ heo, hay nước mắm đều đong vào cái chai. Cầm cả chai to nhưng chỉ mua được một ít dưới đáy chai. Hôm nào mẹ đi chợ về, có con vịt hay con gà thò đầu ra ngoài giỏ, tôi biết hôm đó nhà mình “ăn sướng”. Và cũng biết rằng, dịp đó thu nhập của bố rủng rỉnh hơn vì chiếc xe khách chạy năng chuyến. Những dịp đó, mẹ không quên dành tiền quà vặt cho các con. Mà quà lúc này không còn là các đồ ăn vặt mà những món đồ chơi, chiếc áo, chiếc quần, đôi giày...

Bây giờ, ít ai đi chợ bằng rổ hay giỏ nhựa. Tan sở, họ ghé chợ mua các món ăn trong ngày. Cuối tuần thì ghé siêu thị. Lâu lắm rồi, mới đây có dịp ghé chợ, tôi không thấy cô hàng xén hay bà bán cá nào sử dụng lá hay giấy để gói nữa, nên ký ức đợi mẹ đi chợ về vẫn tinh khôi và chị em tôi gọi đó là mùi vị quê một thời để nhớ…

Khánh Quan