Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, không còn cảnh hỗn loạn và hồi hộp chờ đợi như chơi chứng khoán của mùa tuyển sinh 2015, thậm chí, ở nhiều trường vào những ngày cuối đợt tuyển sinh thứ nhất vẫn là cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Nhưng một thực tế lần đầu tiên đã xảy ra trong công tác tuyển sinh là nhiều trường top trên (như Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa…) vẫn chưa chiêu sinh đủ.

Còn nhớ, trước mùa tuyển sinh, những người làm công tác chiêu sinh ở các trường top trên tự tin nói rằng, họ không lo bị thiếu chỉ tiêu bởi các năm trước họ “gạt đi không hết”. Nhiều em có điểm thi THPT quốc gia 24-26 điểm không có cơ hội vào những trường này. Nhưng điều mà họ lo lắng từ đầu chính là tình trạng thí sinh ảo, bởi Quy chế tuyển sinh vẫn cho phép đăng ký 2 nguyện vọng trong đợt tuyển sinh nguyện vọng 1.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kêt thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1 có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có tới 75% thí sinh đồng thời đăng ký hai trường cùng lúc đã tạo ra một tỷ lệ "ảo" rất cao. Chính điều này đã khiến những trường chưa bao giờ phải lo lắng về tỷ lệ hồ sơ ảo thì năm nay, kết thúc đợt 1 mới chỉ tuyển được từ 50-60% chỉ tiêu nhưng chất lượng đầu vào không được ưng ý. Nếu như năm trước, kết thúc đợt tuyển sinh thứ nhất, nhiều trường đã “ung dung” không phải lo tuyển sinh nữa thì năm nay, họ lại đôn đáo thêm một lượt nữa để tìm đủ chỉ tiêu cho trường mình. Bởi đó, ngoài vấn đề về chất lượng còn là chuyện sống còn của nhà trường.

Với dữ liệu Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố về điểm thi, số lượng thí sinh đủ điều kiện xét tuyển đại học, thì nguồn tuyển sinh năm nay khá dồi dào, đủ cho các trường tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ sinh viên. Vậy các em không vào được các trường đại học mà có đủ điểm xét tuyển hiện đang ở đâu?

Ghi nhận tại một số trường trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều học sinh có số điểm từ 24-26 nhưng vẫn trượt đại học. Ví dụ, những trường có ngưỡng điểm 21-22 không tuyển đủ sinh viên vì các em nộp hồ sơ vào các trường có điểm chuẩn là 23-24, nhưng lại trượt đại học. “Nhìn thấy thí sinh trượt trường khác mà thèm, muốn chiêu sinh các em về trường mình mà không được vì cơ chế tuyển sinh không cho phép” – đó là thực tế đang diễn ra.

Còn phía phụ huynh và học sinh thì sao? Nhiều người vẫn rất bức xúc vì con họ được thông báo trượt trường Đại học A, đậu đại học B. Gia đình đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường B. Nhưng sau đó, trường A hạ điểm chuẩn tuyển nguyện vọng bổ sung... Và câu chuyện xảy ra hôm nay với nhiều em vẫn là “cố sao nhét được chân vào trường đại học” chứ không phải là việc lựa chọn ngành nghề mình yêu thích nữa.

Được biết, để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, Quy chế tuyển sinh năm nay không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước. Mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác” không và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc "ảo" và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu… Nhưng những dự liệu của những người làm công tác tổ chức tuyển sinh vẫn chưa lường hết những tình huống thực tế xảy ra và đang đẩy khó cho các trường và thí sinh. Bởi thực tế, đợt tuyển sinh này, tỷ lệ ảo quá nhiều, thí sinh điểm cao vẫn trượt, trong khi nhiều trường không tuyển được sinh viên chất lượng ưng ý và nhiều em có điểm cao cũng không chọn được ngành, nghề mình yêu thích… Chỉ ngần ấy vấn đề nhưng lại là vấn đề mấu chốt trong một kỳ thi mà hai năm qua những người làm công tác tuyển sinh chưa giải quyết dứt điểm được.

Dư luận đánh giá cao chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo và cải cách công tác thi, xét tuyển sinh năm 2016. Nhưng cải cách theo hướng nào thì đừng để dư âm sau mỗi đợt tuyển sinh là sự sợ hãi cho những người đang tham gia kỳ tuyển sinh và là nỗi ám ảnh với những gia đình, thí sinh sắp có con dự thi.

Theo VOV