Điểm hẹn âm nhạc

Chiều chủ nhật. Không gian nhà Kèn (Công viên 3/2) trở nên rộn ràng với buổi biểu diễn của Dàn hòa tấu Guitare. 20 nhạc công là sinh viên và giảng viên Học viện Âm nhạc Huế ngồi kín trong nhà kèn chơi guitare. Những tác phẩm đặc sắc như: Tico Tico, Top of the world, Domino, El Bimbo, Trống cơm… được biểu diễn làm nức lòng bao người. Hàng trăm khán giả đủ mọi lứa tuổi đứng, ngồi quanh bãi cỏ trước nhà kèn thưởng thức bữa tiệc âm nhạc. Họ say sưa trong từng giai điệu khi du dương, lúc sôi nổi. Những tràng pháo tay tán thưởng, những cái lắc lư, nhún người theo nhạc làm người chơi thêm hào hứng.
 

Có các dàn nhạc biểu diễn, công viên 3/2 và Thương Bạc trở thành điểm hẹn văn hóa hấp dẫn vào dịp cuối tuần

 
Từ khi biết có dàn nhạc biểu diễn, chiều thứ 7 nào Đoàn Diệu Hằng, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ cũng ra công viên 3/2 nghe. Lẩm nhẩm hát theo tiếng nhạc, Hằng rất hào hứng: “Với em, được nghe âm hưởng của hòa tấu guitare trong không gian thoáng đãng, bên dòng Hương Giang, rất thi vị. Cứ đến cuối tuần, em lại đạp xe đến công viên này để được thư giãn”. Còn Mady, một du khách người Đức tỏ ra bất ngờ và thú vị: “Thật ngạc nhiên khi ở thành phố các bạn cũng có ban nhạc biểu diễn ở cộng đồng như thế này và thu hút rất đông mọi người thưởng thức. Không gian biểu diễn đẹp, nhạc lại hay và phong phú nên tôi rất thích”.
 
Sau dàn nhạc kèn biểu diễn vào chiều thứ 7 hàng tuần tại công viên 3/2, trong dịp Festival 2012, Học viện Âm nhạc Huế đã ra mắt dàn nhạc dân tộc tổng hợp, dàn hòa tấu guitare và Ban nhạc trẻ sinh viên. Từ đó đến nay, cứ đến thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, công viên 3/2, công viên Thương Bạc trở thành không gian sôi động. Hình ảnh các bạn trẻ ôm kèn, mang đàn chơi những bản nhạc rộn ràng vào chiều cuối tuần đã trở nên quen thuộc với mọi người.
Góp phần làm đẹp cho Huế
 
Sự “ra quân” rầm rộ của các dàn nhạc thể hiện nỗ lực lớn của thầy và trò Học viện Âm nhạc Huế. Đây là hoạt động tạo bước phát triển mới cho cơ sở đào tạo và nghiên cứu âm nhạc lớn nhất miền Trung; đồng thời tạo điểm đến cho người dân, du khách cũng như góp phần làm đẹp thêm nét văn hóa tiêu biểu của TP Huế.
 
Thầy Nguyễn Ngọc Ban là người phụ trách chung của các dàn nhạc, rất tâm huyết với hoạt động này. Hàng tuần, thầy Ban vẫn theo các sinh viên trong từng buổi tập, biểu diễn. “Để duy trì hoạt động của các dàn nhạc, bên cạnh sự ủng hộ của lãnh đạo học viện và các em học sinh, sinh viên, chúng tôi được công chúng nhiệt tình đón nhận. Đây là cơ hội để sinh viên có điều kiện học tập, thực hành, nâng cao khả năng biểu diễn khi trình tấu những tác phẩm mới”, thầy Ban chia sẻ.
 

Là một thành phố du lịch, hàng năm Huế thu hút lượng lớn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, bên cạnh quảng bá di sản, việc tạo một đời sống âm nhạc phong phú sẽ góp phần kiến tạo nét đặc trưng của thành phố".

Để có những buổi biểu diễn ở cộng đồng như thế này, cả thầy và trò phải tập luyện rất nhiều. Họ phải lên chương trình hàng tuần, bổ sung bài mới. Ngoài thời gian dạy và học, tất cả các sinh viên, giảng viên có tham gia vào dàn nhạc đều phải tập ngoài giờ. Tranh thủ rảnh lúc nào, tập lúc ấy. Nhiều khi phải tập luyện cả trưa, tối và những ngày nghỉ. Cứ đến cuối tuần, thầy trò lại chuẩn bị sẵn sàng bưng bê loa máy, nhạc cụ, ghế lên xe chuyển đến điểm diễn. Tối thứ 7, phải phân công người trông giữ để chủ nhật diễn tiếp. Hôm sau, biểu diễn xong lại lục đục dọn dẹp. Ai cũng mệt nhưng vui vì được trải nghiệm và cống hiến: “Dù thời gian tập luyện tương đối vất vả vì em bận rộn cho việc học nhưng được biểu diễn trong không gian hữu tình cho nhiều người xem, lại được cổ vũ nhiệt tình khiến em rất hứng thú”, Thụy Giang, một sinh viên chia sẻ.
 
Ngoài việc thiếu thốn về nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh, các dàn nhạc hiện đang thiếu nguồn kinh phí. “Chúng tôi đang tự lo để diễn chứ chưa có đủ kinh phí để trang trải. Rất mừng là, trong dịp Festival Huế 2012, Công ty Bia Huế đã tài trợ 200 triệu đồng cho các dàn nhạc. Tuy nhiên, chia cho 4 dàn nhạc thì chưa thấm vào đâu. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì chương trình biểu diễn. Qua đó, góp phần nhân rộng niềm đam mê âm nhạc của công chúng”, thầy Ban tâm sự.
 
Trang Hiền