Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì, cùng sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc bảo vệ môi trường tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Mở đầu hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường tích tụ từ lâu, với nhiều điểm nóng không xử lý triệt để đã và đang gây bức xúc, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế- xã hội, an ninh, chính trị. Thực trạng này làm chúng ta phải thay đổi tư duy và hành động phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng khẳng định rõ quan điểm và quyết tâm của Đảng, Nhà nước kiên quyết không chấp nhận đánh đổi môi trường khi phát triển kinh tế, thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) báo cáo về thực trạng và giải pháp BVMT; trong đó nêu rõ thực trạng tình hình, những tồn tại, thách thức và nguyên nhân; dự báo và giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT.

Đối với Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành Luật BVMT năm 2014. Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) đã thực hiện chức năng đúng theo quy định. Từ năm 2015 đến nay, Sở TNMT đã thẩm định và phê duyệt nhiều báo cáo ĐGTĐMT, đề án BVMT, kế hoạch BVMT của các dự án đầu tư, tiếp nhận và phê duyệt thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; tăng cường hậu kiểm ĐGTĐMT tại nhiều cơ sở. Sở tiến hành kiểm tra, giám sát, thẩm định kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường hàng quý, năm. Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương để giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.  Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại được thực hiện tốt với tỷ lệ thu gom, xử lý đạt tỷ lệ cao.

Thừa Thiên Huế cũng tập trung công tác BVMT tại Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây- Lăng Cô, KKT cửa khẩu A Đớt và 6 khu công nghiệp. Hoạt động BVMT tại KKT Chân Mây- Lăng Cô được thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường từ năm 2013, định kỳ lấy mẫu để phân tích, kiểm tra chất lượng các thành phần môi trường như không khí, tiếng ồn, đất, nước tại một số dự án, cơ sở sản xuất và một số địa điểm tại KKT. Kết quả phân tích cho thấy chất lượng môi trường trên địa bàn KKT thời gian qua chưa có dấu hiệu ô nhiễm, phần lớn các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn hiện hành…

                                                                             Tin, ảnh: Hoài Thương