Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiếu trình độ kỹ thuật, thiếu vốn và cả thời tiết bất lợi… dẫn đến hiệu quả thấp, thua lỗ triền miên là điều dễ thấy trong NTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Thu hoạch cá chẻm ở Hải Dương (TX Hương Trà)  

“Tiểu nông”

Tại nhiều diễn đàn, cuộc họp của ngành nông nghiệp, tỉnh, Trung ương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Trần Nguyên Hùng đều mổ xẻ những bất cập trong NTTS ở Thừa Thiên Huế. Điều đầu tiên ông Hùng nêu rõ, tư duy sản xuất của người dân còn mang tính “tiểu nông”, chạy theo phong trào. Hầu hết, các hộ dân khi bắt tay NTTS đều “trắng kỹ thuật”. Bà con nghe trong thôn, xã có một vài hộ nuôi có lãi thì hàng chục, hàng trăm hộ đua nhau đào hồ nuôi, bất chấp các điều kiện kỹ thuật, xử lý dịch bệnh, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư mang tính “chiến lược”…

“Trắng kỹ thuật”, thiếu vốn nên người dân chủ yếu nuôi quy mô nhỏ lẻ, đầu tư thiếu bài bản. Các hộ cá nhân, thậm chí cả nhóm hộ cũng chỉ nuôi vài ngàn m2. Quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, khi xảy ra dịch bệnh, hay các sự cố môi trường thì người dân “bó tay”. Trong khi nhiều nơi nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, vài chục con/kg, thì ở Thừa Thiên Huế tỷ lệ này rất thấp, phần lớn từ 50-100 con/kg. Tôm nuôi còm cõi, năng suất và sản lượng thấp, giá thành cao, sản phẩm khó tiêu thụ. Không những thế, trong quá trình nuôi, người dân còn lạm dụng kháng sinh, các chất kích thích… dẫn đến dư lượng kháng sinh cao, sản phẩm không thể xuất khẩu, thậm chí khó tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Tư duy “tiểu nông” nên việc liên kết để tiêu thụ sản phẩm cũng bỏ ngỏ. Cách đây mấy năm, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP có ý định bao tiêu toàn bộ sản phẩm tôm chân trắng với điều kiện phải mua thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản tại công ty. Các quy trình nuôi an toàn rất khắt khe, một phần vì người dân tính toán thiệt hơn, không tuân thủ các quy định đã “lảng tránh” những yêu cầu của công ty… Hệ lụy, kích cỡ tôm quá nhỏ, chất lượng “có vấn đề” nên doanh nghiệp này không thu mua. Đây là cơ hội lớn mà người dân bỏ qua một cách đáng tiếc. Vậy nên, toàn bộ sản phẩm, giá cả đều phụ thuộc vào thương lái.

Không chỉ con tôm mà cả cá “đặc sản” cũng nuôi tự phát, dịch bệnh và chết triền miên; chất lượng sản phẩm thấp, chưa tạo được thương hiệu nên khó đầu ra. Vụ cá nuôi năm 2016, các hộ bị dịch bệnh, thua lỗ đã đành, các hộ đạt năng suất cao cũng lận đận, thua lỗ vì sản phẩm “bí” đầu ra.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng nhận định, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định thành công hay thất bại trong NTTS là cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hầu hết hệ thống ao hồ, kênh mương, thủy lợi của người dân đều xây dựng không đúng quy trình, kỹ thuật, thiếu bài bản. Hệ thống kết cấu hạ tầng NTTS từ vùng đầm phá đến vùng cát, không đảm bảo yêu cầu, nhiều công trình xây dựng lâu năm bị xuống cấp, hư hỏng do bão lũ, chậm khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến NTTS đạt hiệu quả còn thấp.

Tôm được mùa nhưng vẫn lỗ, khó bán

Thiếu vốn

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền cho rằng, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí thua lỗ kéo dài nên người dân không có khả năng tái đầu tư sản xuất. Chưa nói đến việc duy tu, bảo dưỡng các công trình Nhà nước, ngay cả ao hồ của người dân xây dựng cũng thiếu bài bản, thiếu khoa học, không có bể lắng, ao xử lý nước thải. Hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước xây dựng còn tạm bợ, sơ sài, hoặc bị hư hỏng, xuống cấp không được xử lý, sửa chữa kịp thời...

Kinh phí hạn hẹp nên hầu hết các hộ dân tìm đến các cơ sở không đảm bảo chất lượng, mua giống giá rẻ về nuôi. Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khẳng định, hầu hết các cơ sở giống giá rẻ khó đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, vì tiết kiệm chi phí, người dân không kiểm tra chất lượng, kiểm dịch con giống tại chỗ bằng công nghệ cao (máy PCR) nhằm có sự chọn lọc con giống, đảm bảo chất lượng trước khi thả nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân tôm chậm phát triển, đề kháng kém, thường xảy ra dịch bệnh, chết ngay sau khi thả nuôi.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Minh Đức cho rằng, việc tham quan học tập các mô hình hiệu quả ở nơi khác là một trong những yêu cầu cần thiết. Nhưng do thiếu nguồn lực kinh phí, nên hầu như quá trình nuôi không có hộ nào mạnh dạn khi tự tổ chức tham quan, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm từ các mô hình. Ngay cả cơ quan chức năng tổ chức tham quan học tập ở các tỉnh, nhưng trình độ, năng lực của người dân còn hạn chế nên khả năng tiếp thu, ứng dụng thấp, hiệu quả không cao.

Cũng vì thiếu vốn mà phần lớn các hộ nuôi chỉ sau một vài vụ thua lỗ đều trắng tay, không còn khả năng tái đầu tư. Bà con lại tiếp tục vay mượn để nuôi, “gỡ gạc” mong có cơ hội hoàn vốn, trả nợ, nhưng thiếu kỹ thuật, non kinh nghiệm là nguyên nhân dẫn đến sản lượng, chất lượng sản phẩm thấp, khó tiêu thụ… “Điệp khúc” dịch bệnh, thua lỗ, nợ nần cứ thế kéo dài, chưa lối thoát…

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích NTTS toàn tỉnh khoảng 6.227 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đối tượng nuôi nước ngọt 1.968 ha; lợ 4.259 ha; thẻ chân trắng 252 ha, tăng 12%...). Mặc dù tăng diện tích, nhưng sản lượng giảm 3,7%, do dịch bệnh, chủ yếu là tôm và các loại cá “đặc sản”. Riêng ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc… có đến 70-90% hộ thua lỗ, bình quân từ vài chục triệu đến hơn 500 triệu đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Kỳ 2: Hướng đến quy trình VietGap