Quán cà phê 1976 nằm ở mặt tiền đường Hải Triều nhưng những ai không tinh ý sẽ khó phát hiện bởi tông màu xanh bộ đội mộc mạc, gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên. “Quán lấy cảm hứng từ thời bao cấp với mục đích tạo ra một không gian thú vị cho giới trẻ, giúp họ có thêm góc nhìn về quá khứ cũng như “kể” những câu chuyện lịch sử ngay bên ly cà phê giữa tốc độ đô thị hóa như hiện tại”, Phan Thế Anh (sn 1992), chủ quán chia sẻ.
Không gian cà phê Đội phủ màu thời gian
Quán 1976 đưa thực khách ngược dòng thời gian với nét xưa qua những vật dụng nhuốm màu thời gian, được chủ nhân lặn lội khắp nơi để sưu tập. “80% đồ vật em phải tìm mua ở các tỉnh thành phía Bắc, chủ yếu là Hà Nội. Toàn bộ diện tích quán khoảng 80m2, chia làm 2 tầng, tầng 1 được bài trí những vật dụng phổ biến của các gia đình Việt Nam từ thời bao cấp như, điện thoại, máy may, radio, và ở một góc quán còn có không gian trò chơi ô làng (ô ăn quan); tầng hai những chấm phá của dãy ô cửa sổ có tông màu cũ kỹ, các bức tranh thời xưa. Ở đây, khách vừa ngồi trong không gian cổ kính, vừa ngắm sông An Cựu, dòng người qua lại, gợi xúc cảm đối lập giữa xưa và thực”, Phan Thế Anh giới thiệu.
Có thể chưa phổ biến bằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhưng cà phê mang phong cách cũ xưa ở Huế hiện như một trào lưu. Trong một lần trò chuyện, Nguyễn Quang Bằng - quản lý quán cà phê Hè (Lê Ngô Cát, TP. Huế), một trong những quán đầu tiên thiết kế theo trào lưu nói trên - chia sẻ: “Chính sự mới lạ, không gian trầm lặng, phủ bụi thời gian đã thu hút giới trẻ. Họ đến và bị đánh thức bởi trí tò mò, khám phá những vật dụng cũ xưa, trở về những tháng năm có khi chỉ biết đến qua sách vở, qua lời kể của mẹ, cha”.
Không chỉ giới trẻ, những ngươi lớn tuổi đến cà phê có không gian cũ để tìm lại chút hoài niệm
Thật lạ khi chủ nhân của các quán cà phê cũ xưa ở Huế đa phần là những bạn trẻ. Có người bỏ qua công việc ổn định ở các thành phố lớn về Huế mở quán cà phê, một phần như để thỏa đam mê. Nguyễn Xuân Bách (24 tuổi), chủ quán cà phê Đội (6 Lê Quý Đôn, Tp. Huế) là một trường hợp như thế. Để có được không gian quán như hiện nay, Bách đi khắp các thành phố lớn, lặn lội đến những miền quê hẻo lánh để học hỏi, thu thập các hiện vật nhằm tạo ra không gian của riêng mình.
“Em về Huế mở quán sau một khoảng thời gian làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Bản thân là người con bên phá Tam Giang, được ba mẹ kể ngày xưa sinh hoạt theo hợp tác xã, chia đội nên em có ý tưởng mở quán cà phê tên là Đội với slogan: “Đừng sống vội, hãy đến Đội”. Em đã đến cà phê Xí nghiệp, cà phê Cộng (Hà Nội) để học hỏi cách thiết kế không gian. Cà phê Đội được tạo ra bởi tông màu cũ kỹ, sử dụng các loại tranh cổ động, ảnh đen trắng kể về cuộc sống thời bao cấp để trang trí; đồng thời, các vật dụng như loa làng, mũ cối, máy ảnh, kệ sách cũ, xe đạp phượng hoàng, quạt, đèn… đều mang đậm dấu ấn thời gian, Nguyễn Xuân Bách thổ lộ.
Góc nhỏ tại quán 1976
Giữa nhịp sống hiện đại nhưng đầy tất bật, những quán cà phê cũ xưa như níu giới trẻ về với hoài niệm, giúp họ nhìn lại bản thân. “Các quán cà phê hộp, phòng máy lạnh thì nơi nào cũng có. Giới trẻ như tụi em bây giờ muốn tìm một chút gì đó thuộc về quá khứ”, Lê Văn Vũ (sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế) chia sẻ.
Còn với Nguyễn Thị Quyên (sinh viên ngành Mỹ thuật) thì sự đối lập không gian của quán và cuộc sống đời thực giúp những người trẻ nhận ra được nhiều điều. Đó là sự tương phản của cuộc sống, cách sống qua nhiều thế hệ. Những gam màu cũ luôn khơi dậy trí tò mò, tạo sức sáng tạo và cảm thấy mình như có thêm thời gian chiêm nghiệm cuộc sống.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN