Nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong vẫn ngày ngày miệt mài truyền nghề cho lớp trẻ

Vinh danh

Nghệ nhân đầu tiên chúng tôi tìm đến trong số 6 nghệ nhân được phong tặng lần này là ông Nguyễn Văn Sính, nghệ nhân đúc đồng Huế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bao đời gắn bó với nghề đúc, từ năm 1954, ông đã theo cha học nghề và gắn bó với nghề đúc khi vừa bước sang tuổi 18. Nhờ năng khiếu bẩm sinh và sự cần cù ham học hỏi, ông nhanh chóng trở thành nghệ nhân có tiếng của nghề đúc không chỉ trong nước mà còn nổi tiếng khắp nơi với những sản phẩm để đời như tượng Trần Hưng Đạo cao 10m, nặng 22 tấn ở công viên Vị Hoàng, TP Nam Định; chuông lớn nhất Đông Nam Á tại chùa Bái Đính, Ninh Bình với chiều cao 5,4m, nặng 30 tấn…

Hơn 60 năm gắn bó với nghề, ngoài phần thưởng cao quý mà Nhà nước trao tặng, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính còn có niềm vui riêng đó là đào tạo cho hai người con trai nối nghiệp nghề đúc, tạo ra những sản phẩm đồng dân dụng và mỹ nghệ tinh xảo, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. “Nghề đúc ở Huế vẫn còn gặp khó khi sản phẩm chủ yếu đều làm thủ công, công nghệ đúc tiên tiến chưa được ứng dụng nhiều do thiếu thợ giỏi và khâu đào tạo. Để đưa nghề đúc phát triển theo hướng hiện đại, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cả về thiết bị lẫn đào tạo nghề”, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính chia sẻ.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Kinh vẫn miệt mài bảo tồn nghề thêu tay truyền thống

Tâm huyết với nghề kim hoàn, năm 2008 nghệ nhân Trần Duy Mong đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng khu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nghề Tịnh Tâm Kim Cổ ở 278 Đinh Tiên Hoàng, TP Huế. Đây không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm TCTT của nghề kim hoàn như vàng, bạc, đá quý, mà còn là nơi truyền nghề cho lớp trẻ. Sau 50 năm gắn bó nghề kim hoàn, đến nay, ông đã đào tạo cho trên 100 thợ kim hoàn lành nghề và thành lập chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý mang thương hiệu Thuận Thành Duy Mong do vợ và các con làm chủ.

Nghệ nhân Trần Duy Mong cho biết: “Phần thưởng cao quý và ý nghĩa nhất đối với mỗi nghệ nhân không chỉ là những bằng khen hay danh hiệu, mà quan trọng là sự phát triển của ngành nghề mình gắn bó. Với nghề kim hoàn, mong muốn lớn nhất là làm thế nào để tiếp tục phát huy và gìn giữ nghề truyền thống mà các Tổ sư đã có công tạo dựng, đồng thời đưa các sản phẩm kim hoàn ngày càng tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao.” Tịnh Tâm Kim Cổ được xây dựng với nỗ lực và tâm huyết lưu giữ nghề kim hoàn, để người dân và du khách tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân trình diễn nghề, những công đoạn tạo nên sản phẩm kim hoàn kỳ công và tỉ mỉ để lưu truyền hậu thế.

Bước tiến cho nghề truyền thống

Theo Sở Công thương, đến thời điểm này toàn tỉnh có 28 nghệ nhân, hoạt động ở các ngành nghề truyền thống như mộc mỹ nghệ, hoa giấy, mây tre đan, kim hoàn, sinh vật cảnh, thêu, đúc đồng… Các nghệ nhân đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm mang bản sắc văn hóa Huế.

Trong số 100 nghệ nhân trên cả nước được phong tặng lần này, hai nghệ nhân thêu và đúc đồng là Lê Văn Kinh, Nguyễn Văn Sính vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”; 4 nghệ nhân gồm kim hoàn Trần Duy Mong, mây tre đan Hoàng Ngọc Tuyên, mộc mỹ nghệ Lê Viết Toàn và sinh vật cảnh (SVC) Tôn Nữ Thị Hà vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây là phần thưởng cao quý, song đó cũng là trách nhiệm nặng nề của các nghệ nhân khi gánh trên vai trọng trách tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Đeo đuổi và gắn bó với nghề SVC từ hàng chục năm nay, với gia tài đồ sộ gần 700 chậu cây kiểng và bonsai, song nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà còn được mệnh danh là người phụ nữ “đặc biệt”, bởi bà từng học và làm 16 nghề như nấu ăn, nhiếp ảnh, đúc chậu, làm bánh… “Được vinh danh “Nghệ nhân ưu tú” là sự tri ân rất lớn của các cấp, các ngành đối với những cống hiến với nghề. Hiện, tôi đang liên kết với Hội SVC Trung ương để kết nối với Hội SVC quốc tế mở các tour du lịch tham quan các vườn SVC trên địa bàn tỉnh để quảng bá tiềm năng và thu hút khách”, nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà chia sẻ.

Giám đốc Sở Công thương- Nguyễn Thanh cho biết: “6 nghệ nhân được phong tặng lần này là những người tâm huyết và có công rất lớn trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề TCTT. Ngoài nỗ lực đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, các nghệ nhân còn tạo ra nhiều sản phẩm TCTT đặc sắc, đạt các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Sắp tới, sở sẽ tranh thủ các nguồn vốn khuyến công, khôi phục nghề để tiếp tục hỗ trợ cho các làng nghề, cơ sở sản xuất và nghệ nhân, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm làng nghề đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước.”

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG