Đây là quan điểm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế hiện nay. Điều này cũng đặt ra với các bộ, ngành và từng địa phương cần đổi mới tư duy thu hút, quản lý đầu tư và dành nguồn lực tương xứng cho công tác bảo vệ môi trường.

Trong quá trình phát triển đất nước, nhu cầu về nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất rất lớn. Bởi có đầu tư phát triển mới tạo được nguồn thu, giải quyết việc làm góp phần ổn định xã hội. Một thời gian dài các địa phương đua nhau “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, nhưng lại không chú trọng đến vấn đề môi trường. Chính vì thế, không ít dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được cấp phép đầu tư. Hệ lụy, nhiều dòng sông bị “bức tử” do nước thải, chất thải các nhà máy; nhiều khu vực nhạy cảm bị cày xới để khai thác tài nguyên nhưng lại xuất khẩu thô… Điều này được cảnh báo, tích tụ đã lâu, nhưng sau sự cố Pormosa gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung vấn đề càng nóng lên, bởi tác động tiêu cực của nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, du lịch mà còn xáo trộn đời sống, gây tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Với Thừa Thiên Huế, trong những năm qua tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường; công tác quản lý môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp được quan tâm nên chất lượng môi trường ở các khu vực này chưa có dấu hiệu ô nhiễm, phần lớn các chỉ tiêu đều này trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn hiện hành. Tuy vậy, hiện nay áp lực về ô nhiễm  môi trường trên địa bàn ngày càng gia tăng, gây bức xúc cho người dân. Chẳng hạn việc xử lý chất thải ở bãi rác Thủy Phương; khai thác cát trắng ở Phong Điền; các cơ sở sản xuất, các làng nghề, cơ sở chăn nuôi phân tán và trang trại …gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư. Ngay ở các khu công nghiệp tập trung, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng xử lý nước thải, chất thải cũng còn nhiều bất cập.

Chính vì những bất cập đó, ở một số nơi người dân “dị ứng” với các dự án đầu tư. Chẳng hạn, mới đây có doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án chăn nuôi quy mô lớn ở một địa bàn vùng cát, chính quyền kỳ vọng tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức chăn nuôi ở địa phương nhưng người dân kiên quyết phản đối. Mừng vì nhận thức về môi trường của người dân nâng lên, nhưng không vui vì mất đi cơ hội phát triển. Chẳng lẽ cứ như con chim bị trúng tên, thấy cành cong là sợ, bỏ lỡ các cơ hội tốt.

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vấn đề cần quan tâm ở đây là có sự nghiêm túc trong đánh giá tác động môi trường của dự án và có sự quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình đầu tư để đảm bảo phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Hoàng Giang