Mô hình dịch vụ gặt đập liên hợp của anh Lê Viết Tuấn 

Những ngày này, Phó Bí thư phụ trách Xã đoàn Phú Lương (huyện Phú Vang) Lê Viết Tuấn dù bận rộn với nhiều hoạt động hè và phong trào thanh niên tình nguyện nhưng vẫn không quên tranh thủ thời gian kiểm tra lại máy móc, nhân công, rà soát lại những hợp đồng đã ký với các hợp tác xã và người dân để phục vụ tốt vụ hè thu sắp tới.

 Kể về câu chuyện làm kinh tế của mình, Lê Viết Tuấn chia sẻ: “Đầu năm 2013, lúc đó tôi còn là Phó Bí thư Xã đoàn, thời gian rảnh khá nhiều. Tìm cách làm giàu cho bản thân là việc chính đáng, vì sao mình không thử. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận thấy tại địa phương việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu, nhiều hộ vẫn thu hoạch lúa theo hình thức thủ công, mất nhiều thời gian lại vất vả. Ngay gia đình tôi, do không có người làm nên phải cho người khác thuê ruộng. Nếu đầu tư mua máy gặp đập liên hợp chắc chắn sẽ lãi. Nghĩ vậy, tôi mạnh dạn vay vốn mua máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ thu hoạch lúa”.

Từ khi bắt tay kinh doanh máy gặt đập liên hợp, trung bình mỗi năm, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tuấn còn đầu tư nuôi bò, mỗi năm bán ra thị trường 7 con bò thương phẩm. Lê Viết Tuấn cho biết, sắp tới sẽ thành lập câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi để ĐVTN có cơ hội giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm”. Hàng năm, anh Tuấn còn trích một phần lợi nhuận của mình ủng hộ phong trào Đoàn tại địa phương.

Anh Nguyễn Đức Minh, Bí thư Xã đoàn Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) được nhiều người biết không chỉ vì thực hiện được nhiều công trình, phần việc giúp dân mà nổi tiếng với mô hình kinh tế ấp trứng và chăn nuôi gà. Năm 2013, anh đầu tư mua lò ấp trứng để bán con giống và chăn nuôi. Với mô hình này, mỗi năm mang lại thu nhập cho vợ chồng anh hàng chục triệu đồng.

Vừa làm tròn vai Bí thư Chi đoàn thôn 1 xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) từ 2004 cho đến nay, anh Hoàng Đình Thiện còn đi đầu trong phong trào lao động sáng tạo, phát triển kinh tế. Năm 2013, thấy có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên tại địa phương, anh đã đầu tư nuôi 30 con dê. Sau đó thấy nhu cầu sử dụng dàn rạp, âm thanh phục vụ cưới hỏi của người dân tăng cao, anh tiếp tục đầu tư mô hình này. Hiện nay, trung bình mỗi năm anh phục vụ hàng chục sự kiện cưới, hỏi, liên hoan… thu về trên dưới 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 thanh niên địa phương. Vừa qua, anh là một trong 20 thanh niên nông thôn được Tỉnh đoàn tuyên dương vì có thành tích trong sản xuất kinh doanh.

Còn nhiều gương thủ lĩnh đoàn thanh niên làm kinh tế giỏi như chị Hồ Thị Lân, Bí thư Xã đoàn Hồng Quảng (huyện A Lưới) với mô hình chăn nuôi vườn, ao, chuồng; anh Trần Hiệu, Bí thư Chi đoàn thôn Trung Làng, xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) với mô hình cá lồng; anh Đinh Khắc Hùng, Bí thư Chi đoàn thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn (Phú Lộc) với mô hình mộc mỹ nghệ…

Anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: “Hiện nay, nhiều thủ lĩnh Đoàn vừa làm tốt phong trào đoàn vừa biết tận dụng các tiềm năng và thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Để nhân rộng các mô hình này, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, giúp những nhà nông trẻ yên tâm sản xuất. Đồng thời, thành lập các hợp tác xã thanh niên, các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế để tập hợp sức mạnh, liên kết các mô hình thanh niên làm kinh tế”.

HẢI THUẬN