Theo NĐ 46 về xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt thì mức phạt đối với hành vi này đã tăng nhiều lần so với NĐ cũ. Mức cao nhất lên đến 18 triệu đồng và bị tạm giữ phương tiện (đối với lái xe ô tô). Chế tài của hình phạt này rất cao so mức thu nhập của nhiều người, và là sự răn đe cần thiết cảnh tỉnh đối với những người tham gia giao thông. Với mức phạt thế này ai cũng phải dè chừng khi nâng ly trong những cuộc vui có bia rượu. Vậy nhưng thực tế có hạn chế được không khi mà bia rượu đang là “tập tục” đã ăn sâu gắn kết trong tâm thức người Việt chúng ta? Ăn cưới, hỏi, chạp, giỗ, lên lương, sinh nhật…. và cả tiếp bạn bè, đồng nghiệp khi ghé thăm. Thay cho cau trầu truyền thống thì ly rượu (bia) đánh giá mức độ tình cảm của chủ khi nâng ly mời khách. Không thể phủ nhận khi có chất xúc tác thì cuộc vui sôi nổi hơn, gắn kết tình cảm hơn và thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà. Thế là 1 ly, 2 ly, n ly được nâng lên với “cường độ” cạn 100%, đi suốt tới “Cà Mau”. Với mức độ như thế này thì nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở không vượt mức cho phép mới là điều lạ. Đã tham gia cuộc vui thì các đấng nam nhi (cũng có khi cả nữ nhi) khó mà giữ được mình để khỏi vi phạm.

Mới đây, cảnh sát giao thông (CSGT) đã chỉ đạo lực lượng ở một số đô thị lớn bố trí chốt kiểm tra ở gần các nhà hàng quán nhậu đang còn có nhiều tranh luận nhạy cảm. Nếu làm ráo riết, đúng luật thì các nhà hàng đành bó tay, khách chỉ được ăn mà không được “nhậu”?. Tăng cường kiểm tra là cần thiết, nhưng có chăng CSGT (và cả thanh tra giao thông) chỉ làm được ở những tụ điểm, còn uống bia rượu thì đủ mọi thành phần, diễn ra khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ buổi trưa đến buổi chiều và… cả thâu đêm. Ở một số cuộc liên hoan cũng có người có ý thức không uống nhiều để khỏi quá chén,vượt độ cồn cho phép. Thế nhưng họ không biết bao nhiêu ly bia (ly rượu) là vượt mức độ cho phép? Nhiều người khỏe, tửu lượng cao cho rằng năm ba ly không thấm vào đâu và sẽ lái xe an toàn nên thêm vài ly nữa có sao đâu!? Trong thực tế phần lớn không ai biết uống bao nhiêu ly là phạm luật và hàng chục loại bia rượu có nồng độ khác nhau làm sao mà cân đong đếm được độ cồn khi uống. NĐ 46 đã quy định xử phạt khi độ cồn vượt quá 50 miligam/ 1 mililit máu hoặc 0,25 miligam/ 1 lít khí thở thì cũng nên có phụ lục quy đổi mức độ tương đối bằng số lượng lon, chai, ly… để lái xe biết mà dè chừng.

Đây còn là vấn đề nghịch lý, nan giải của các nhà quản lý,hoạch định chính sách về phát triển và quản lý. Bia rượu đang là mặt hàng được sản xuất và tiêu thụ mạnh nhất, mặc dù nó được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Mỗi năm, nước ta sản xuất 3,2 tỷ lít bia, phục vụ cho xuất khẩu với lượng nhỏ, còn lại chủ yếu tiêu thụ trong nước. Vậy là lượng nước có cồn này sẽ được chảy trong “dòng máu” người dân chúng ta, cho nên đo độ cồn không vượt mới là điều lạ. Bên cạnh đánh thuế bia rượu cũng nên hình thành các quy định dưới luật để hạn chế sử dụng bia rượu tràn lan. Trước hết là trong đội ngũ công chức ,đoàn thanh niên, những đơn vị lái xe chuyên nghiệp… Cần thiết có thể các cơ quan đơn vị có những quy định cụ thể để hạn chế bia rượu trong liên hoan, tiếp khách như một số địa phương đã làm. Hoặc đưa vào xét thi đua ,kỷ luật vv…

Ăn uống phải có “cay cay” mới vui đã ăn sâu vào ý thức của cả cộng đồng thì hạn chế hoặc từ bỏ ngay không dễ một sớm một chiều. Chế tài xử lý đi đôi với tuyên truyền và quan trọng nhất là giáo dục cho mỗi người ý thức: “Nói không với bia rượu khi tham gia giao thông”.

NGUYỄN TÙNG AN