Kết thúc xét tuyển đợt 1, lần đầu tiên các trường tốp trên thiếu thí sinh trầm trọng. Bước vào đợt xét tuyển bổ sung, các trường thi nhau hạ điểm để mong tuyển đủ cả ngàn chỉ tiêu nên phát sinh nghịch lý thí sinh điểm cao vẫn trượt, thí sinh điểm thấp lại đỗ. Dường như đổi mới tuyển sinh đang ngày càng rối hơn!

“Cuộc chiến” thiếu công bằng?!

Theo Bộ GD&ĐT, trong tuyển sinh đợt 1 có 396.496 thí sinh (TS) đăng ký vào hai trường, tỷ lệ ảo cao khiến nhiều trường đại học, cao đẳng kết thúc xét tuyển đợt 1 mới chỉ tuyển được từ 50 - 60% chỉ tiêu và chất lượng đầu vào không được ưng ý. 

Các trường thi nhau hạ điểm để mong tuyển đủ chỉ tiêu

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội nhận định, đây là lần đầu tiên Đại học Y xảy ra hiện tượng này. Phương thức tuyển sinh năm 2015 vẫn là khả thi hơn cả dù có một chút xáo trộn nhưng TS cuối cùng vẫn chọn được ngành mình thích và các trường không lo ảo.

Còn năm nay, các trường tốp trên đau đầu vì lọc ảo, các trường tốp dưới lo sợ vì không tuyển đủ chỉ tiêu thì các TS lại phải đắn đo giữa lựa chọn trường tốp trên với rủi ro cao hơn rất nhiều và lựa chọn trường tốp dưới không được như ý muốn.

Trong đợt xét tuyển bổ sung này, còn khoảng 100.000 TS sẽ tiếp tục đăng ký vào 150 trường (kéo dài từ ngày 21- 31/8). Năm nay, Bộ không bắt buộc các trường quy định điểm chuẩn đợt sau phải cao hơn đợt trước khiến cho cuộc chiến giành TS càng gay cấn hơn.

Thực tế, trong mấy ngày qua, nhiều TS đã đến các trường mình trúng tuyển đợt 1 xin rút giấy chứng nhận kết quả khi biết các trường tốp đầu hạ điểm rất thấp để xét tuyển bổ sung. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng ngày 23/8 có khoảng 30 trường hợp tới trường xin rút hồ sơ trúng tuyển để nộp sang trường quân đội khi họ tuyển bổ sung tới 1.200 chỉ tiêu. Số TS này có mức điểm từ 24 đến 26.

Một TS ở Bắc Ninh lo lắng, em thi được 25,25 điểm, xét tuyển vào ngành Trinh sát kỹ thuật của Học viện Khoa học quân sự. Ngày 17/8, trường công bố điểm chuẩn ngành này là 25,75 điểm khối A, nên em đành nộp Giấy chứng nhận thi THPT Quốc gia vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Giờ Học viện này lại thông báo nhận xét tuyển bổ sung từ 18 điểm trở lên nên em muốn rút hồ sơ để nộp vào đây. 

Trước hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Trước mắt các trường phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, không cho phép bất kỳ TS nào được rút giấy chứng nhận kết quả để tránh sự lộn xộn. Sau khi đã làm xong công tác tuyển sinh, nếu trường thấy cần thiết phải điều chỉnh một số trường hợp trong nội bộ của chính trường mình thì có thể báo cáo để Bộ xem xét”.

Chất lượng đầu vào giảm

Có thể thấy, đợt tuyển sinh năm nay đã bộc lộ khá nhiều bất cập như tỷ lệ ảo nhiều, TS điểm cao vẫn trượt, trong khi trường tuyển sinh đầu vào không được ưng ý, chất lượng sinh viên giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của các trường.

Theo phụ huynh Hoàng Mạnh (Hà Nội), việc các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung khiến xảy ra tình trạng trước đó nhiều TS điểm cao sợ trượt nên không dám nộp hồ sơ vào trường tốp trên, trong khi TS điểm thấp lại có cơ hội khi đã biết điểm tuyển bổ sung của các trường.

Cách tuyển sinh này thực sự không công bằng. Một số lãnh đạo các trường cũng cho rằng, việc hạ điểm sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất, gây sự mất công bằng cho TS. Thứ hai, ảnh hưởng tới những trường cùng tham gia tuyển sinh chung với mình, gây rối loạn hệ thống. Việc Bộ có ý cho các trường sau này có thể điều chỉnh hồ sơ giữa các ngành trong trường cũng sẽ rất rối.

Thời gian tới, Bộ nên tập trung làm tốt công tác hướng nghiệp ở bậc THPT để TS lựa chọn đúng ngành phù hợp với năng lực của mình, chứ không phải cho các em nhiều nguyện vọng để bằng mọi giá được vào đại học. Nhanh chóng giao quyền tự động lựa chọn phương án tuyển sinh cho các trường.

Thầy Công Thuynh (Học viện Ngân hàng) cũng đề xuất: “Để giảm bớt vất vả cho TS, phụ huynh và các trường, cần phải có sự quy hoạch phân luồng hồ sơ hợp lý, dự báo và cập nhật thông tin điểm chuẩn một cách thực tế, chính xác. Quán triệt nguyên tắc TS có điểm cao sẽ có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành hơn những em có điểm xét tuyển thấp”.

Có thể nói, những đổi mới tuyển sinh trong 2 năm qua chưa thực sự hiệu quả, mà chỉ dừng ở đổi mới phương thức tổ chức thi và làm theo kiểu “sai đâu, sửa đó”, chứ chưa đổi mới căn bản phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh.

Để tránh sự lo lắng, bức xúc không đáng có, Bộ GD& ĐT sớm xây dựng được phương án tuyển sinh có tính ổn định, đảm bảo sự công bằng về lợi ích cho cả TS và các trường

Theo VOV