Một phụ nữ phải che kín mặt mũi để tránh nắng và khói bụi - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA) nêu cảnh báo này trong ngày hôm qua (26-8) sau khi tham chiếu các chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm 24 giờ (PSI). Tới buổi chiều cùng ngày, chỉ số này là 105, trong khi mức trên 100 được coi là gây "nguy hại sức khỏe".
Mỗi năm, khi mùa khô tới, khói bụi từ các vụ đốt rẫy, đốt rừng từ Indonesia lại tỏa đi, bao trùm toàn khu vực, gây lo ngại về những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và hoạt động hàng không, du lịch.
Indonesia liên tục bị các quốc gia láng giềng phía bắc và các tổ chức môi trường xanh chỉ trích vì đã không thể chấm dứt được tình trạng đốt rừng hàng năm.
Ước tính năm 2015, hoạt động đốt rừng ở Indonesia đã khiến nền kinh tế Singapore tổn thất 16 tỉ USD và làm hơn nửa triệu người dân Indonesia bị mắc các bệnh hô hấp.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tăng cường các nỗ lực hành động của chính phủ để giải quyết tình trạng khói bụi cho đốt rừng. Năm nay, cảnh sát đã tăng gấp đôi số vụ bắt giữ liên quan tới đốt rừng.
Trong thông báo ngày 26-8, người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thảm họa thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), ông Sutopo Nugroho, cho biết: "Các vụ đốt rừng và đốt rẫy tại khu vực Riau đang gia tăng".
Công tác giám sát trên không phát hiện 67 điểm xảy ra đốt rừng và khói bụi từ những nơi đó đã bay về phía đông, bao trùm lên Singapore.
Cũng theo ông Sutopo Nugroho, khói bụi dày đặc cuồn cuộn bốc lên từ những khu vực đó và đã có 7.200 quân nhân cùng nhiều máy bay được điều động tới dập tắt những đám cháy ở Riau.
Ngày thứ sáu (26-8) chỉ số ô nhiễm không khí ở Malaysia vẫn ở mức bình thường.
Chính phủ Singapore đã hối thúc Indonesia cung cấp thông tin về các công ty bị nghi ngờ liên đới trong việc gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Một số công ty trong đó có niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Singapore.
Theo Tuoitre