Bắt đầu chế biến các loại tinh dầu từ năm 2001, năm 2010, Công ty TNHH MTV Tinh dầu Kim Vui chính thức thành lập. Kế thừa và tiếp nối truyền thống sản xuất tinh dầu tràm của cha ông để lại, DN đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại tinh dầu tràm phục vụ thị trường. Song, do thiếu máy móc thiết bị nên sản phẩm làm ra hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường khá lớn. Đầu năm 2016, DN lập đề án KC đầu tư lò nấu công suất 100 lít/ngày, kinh phí 100 triệu đồng và được nguồn vốn KC hỗ trợ 50 triệu đồng.

Sản phẩm dầu tràm Huế luôn được khách quốc tế ưa chuộng

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh dầu Kim Vui - Trần Thị Vui cho biết: “Gần 15 năm phát triển nghề, hiện thị trường tiêu thụ khá ổn định mỗi tháng trên 6 ngàn chai với hơn 200 đại lý trên cả nước. Sau khi được KC hỗ trợ kinh phí đầu tư lò nấu, DN tiếp tục đầu tư 3 mẫu khuôn chai với trên 150 ngàn vỏ chai để thay đổi các vỏ chai lâu nay nhằm bảo vệ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tránh bị làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng đến uy tín của DN và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.” Theo DN, nguồn nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm không lo thiếu, bởi DN đã ký hợp đồng lâu dài với một đơn vị ở thị xã Hương Thủy, quy mô 230 ha tràm tự nhiên.

Sau khi được hỗ trợ lò nấu, DN đầu tư mở rộng nhà xưởng ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy và cơ sở trưng bày giới thiệu sản phẩm ở đường Hồ Đắc Di, phường An Cựu để quảng bá sản phẩm. Kết hợp giữa phương pháp chưng cất truyền thống và thiết bị máy móc hiện đại, DN sản xuất ra các loại tinh dầu chất lượng có nhiều công dụng làm đẹp và chữa bệnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phát triển thêm nhiều loại tinh dầu khác như tinh dầu massage, bạc hà, tinh dầu quế, dừa, trầm hương và tinh dầu sả.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại- Nguyễn Lương Bảy cho biết: “Trung bình mỗi năm, vốn KC hỗ trợ cho trên 20 DN, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư thiết bị, đào tạo nghề và tổ chức hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm. Đây là nguồn vốn nhằm kích cầu các DN, cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm vốn để phát triển nghề truyền thống, đồng thời thay thế các thiết bị lạc hậu nhằm tăng năng suất và hạ giá thành.”

Bài, ảnh: Thanh Hương