Ông Nguyễn Hồng Lam bên sản phẩm hữu cơ của tập đoàn mình
Chất lượng an toàn
Ông Trương Đình Ngộ, Tổng GĐ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Canh nông hữu cơ Việt Nam (CTCPCNHCVN) cho biết, từ năm 2013, công ty đã kết hợp cùng 40 hộ nông dân ở các địa phương Quảng Điền, Hương Thủy, TP. Huế, thực hiện mô hình thí nghiệm, sản xuất 6 ha giống lúa Huế số 1 (gạo ngọc trai) bằng 100% phương pháp hữu cơ.
Ông Đoàn Sào (thôn Khuôn Phò Nam, TT. Sịa), một hộ tham gia mô hình phấn khởi: “Trồng giống Huế số 1 lãi gấp đôi so với các giống lúa bình thường, vì được công ty bao tiêu sản phẩm. Vụ đông xuân 2015-2016, gia đình tôi làm 10 sào giống Huế số 1, canh tác 100% bằng phương pháp hữu cơ, thu được gần 3 tấn lúa, bán được hơn 25 triệu đồng. Trừ công cán, chi phí tiền phân, thuốc 5 triệu đồng; còn lãi 20 triệu đồng”.
Sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm của Tập đoàn Quế Lâm (TĐQL) được biết đến từ năm 2014, trong một lần “ra mắt” tại Hội chợ thương mại Quốc tế Fesvial 2014. Sau này, tập đoàn có thêm sản phẩm gạo lứt đỏ hữu cơ Quế Lâm, trà hữu cơ Quế Lâm. Đây là sản phẩm gạo hữu cơ có tính dược liệu, chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có lợi cho sức khỏe, nên người sử dụng rất yên tâm.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT TĐQL cho biết: “Các nông sản hữu cơ của tập đoàn trong quá trình sản xuất, không sử dụng bất kỳ các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ nào. Bón phân hữu cơ vi sinh có thể tồn tại lâu dài, nuôi dưỡng trong lòng đất, không gây bạc màu, có tác dụng làm tơi xốp, không xảy ra sâu bệnh trên cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân”.
Các sản phẩm nông nghiệp “sạch” ra đời không nhằm cạnh tranh với người nông dân mà ngược lại, nó sẽ bổ sung vào thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh, hướng đến thị trường cao cấp. Để đưa gạo ngọc trai hướng đến thị trường là các khách sạn, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh, phía công ty đã lên chiến lược tuyên truyền cũng như đóng mẫu mã bao bì cho sản phẩm. Công ty đã tiến hành đóng bao bì cho sản phẩm gạo ngọc trai (5kg/bao), với hình ảnh cánh đồng lúa gạo các điểm du lịch ở Huế và sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường.
Với giá bán gạo lứt đỏ hữu cơ Quế Lâm 50 nghìn đồng/kg ở Hà Nội và 25 nghìn đồng/kg ở Huế, Tập đoàn Quế Lâm đang hướng đến thị trường tiêu thụ là các nhà hàng, khách sạn và siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tập đoàn cũng mở hai điểm bán các nông sản hữu cơ ở TP. Huế. Tại điểm bán số 101 đường Phan Đình Phùng, tập đoàn còn mở quán cà phê “sạch”- là sản phẩm của đơn vị cho du khách thưởng thức.
Khó mở rộng diện tích và thị trường
Các sản phẩm trà hữu cơ, rau sạch, gạo hữu cơ tuy mở ra một trang mới cho một nền nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện các đơn vị này chỉ sản xuất thí điểm, “dè chừng” trên một đơn vị diện tích nhỏ ở một số HTX trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, khó khăn lớn đối với tập đoàn là đầu ra sản phẩm, bởi đến nay, bà con nông dân cũng như người tiêu dùng hầu như chưa hiểu biết về gạo sạch cùng các nông sản sạch khác. Nhiều lúc các sản phẩm sạch đưa ra thị trường cũng chỉ chờ “hữu xạ tự nhiên hương” nên thiếu sức cạnh tranh và có sự “lẫn lộn” với các sản phẩm thông thường khác. Ông Lam đưa ra ví dụ, hiện nay, tập đoàn đang sản xuất rau má theo mô hình hữu cơ tại HTX Quảng Thọ II, đang thí điểm trên diện tích khoảng 1ha. Ngoài sản phẩm trà rau má, nông dân bán rau má tươi ra thị trường thì “rau sạch” cũng như các loại rau thông thường khác. Nếu tập đoàn không tiến hành bao tiêu sản phẩm cho người dân, họ “tự bơi” ra thị trường các chợ thì sẽ thua lỗ, từ đó cũng khó tuân thủ các quy trình sản xuất rau an toàn.
Tại Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Quế Lâm đã đưa vào sản xuất gạo chất lượng cao vụ đầu tiên quy mô cánh đồng mẫu diện tích 10 ha tại HTX Nông nghiệp Phú Lương 1 (huyện Phú Vang) với hàng chục hộ dân tham gia. Đến nay, đã có khoảng 100 ha (trong tổng số 1.000 ha ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh), lúa chất lượng cao như BT7, 39 Quế Lâm, được trồng ở hầu hết các địa phương như Hương Thủy, Quảng Điền, Hương Trà. |
Do sản xuất với một quy trình nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm cao nên giá thành sản phẩm các loại sản phẩm nông sản của tập đoàn có thể cao 3-4 lần sản phẩm thông thường nên rất khó cạnh tranh. Trong nhiều năm qua, tập đoàn mới chỉ bán gần 2.000 tấn gạo hữu cơ, trong đó chủ yếu là thị trường ngoại tỉnh. “Với quy mô sản xuất như hiện nay, cơ bản người nông dân trồng các sản phẩm sạch, được tập đoàn bao tiêu sản phẩm thì có lãi. Còn với riêng đơn vị, hiện nay bán sản phẩm nông sản hữu cơ chỉ ngang “hòa vốn” mà thôi, nên rất khó mở rộng diện tích và thị trường tiêu thụ”, ông Lam nói.
Riêng với sản phẩm gạo ngọc trai, hiện nay, việc mở rộng diện tích, thị trường cũng đang gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ nhỏ giọt. Sản phẩm chưa đến được tay người dân - tầng lớp tiêu thụ đông đảo, bình dân. Ông Trương Đình Ngộ, đánh giá: “Từ mô hình thí điểm thành công ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đến nay, công ty đang kết nối, khảo sát để mở mang điểm tiêu thụ cố định nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm. Tuy nhiên, giá sản phẩm gạo cao (50 nghìn đồng/kg), khó cạnh tranh trên thị trường”. Cũng theo ông Ngộ, tập quán canh tác truyền thống cũng là một trong nhưng trở lực ngăn cản việc sản xuất nông sản sạch. Muốn sản xuất bền vững, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà nước hỗ trợ, thì người nông dân cũng cần nâng cao nhận thức trong canh tác.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, hiện nay, phải làm sao khi thông qua kênh tiêu thụ nông sản sạch, người sản xuất phải có hiệu quả kinh tế cao hơn các sản phẩm bình thường. Xu hướng hiện nay phải hình thành nên chuỗi cung ứng sản xuất nông sản sạch cho người nông dân với sự liên kết với các doanh nghiệp, là con đường tất yếu đưa đến sản xuất bền vững.
Hà Nguyên