Nhiều người dân ở đường Trần Cao Vân cho rằng nhà hàng The Hub đang gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ

Muôn kiểu ô nhiễm

Hơn nửa tháng nay, từ khi quán The Hub của Khách sạn Imperial đi vào hoạt động, người dân ở khu vực xung quanh mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn từ hệ thống loa công suất lớn phát ra liên tục từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm.

Ông Hoàng Lễ, trú 30 đường Trần Cao Vân, cho biết, nhà hàng này hoạt động như một quán bar, không xây tường bao mà làm bằng kính lại gần như lộ thiên nên khả năng cách âm rất kém. Ngày nào các gia đình sống gần đó cũng bị tra tấn bởi âm thanh từ hệ thống loa phát ra đến mức mỗi tối phải di tản con cái đến nhà người thân ở nơi khác để tránh tiếng ồn và cho các cháu học bài. “Quá mệt mỏi, chúng tôi đã phản ảnh tình trạng này lên các cơ quan chức năng của phường Phú Nhuận và thành phố; song không hiểu sao khi lực lượng chức năng đo thì âm lượng và thông số tiếng ồn lại nằm trong giới hạn cho phép” – ông Lễ bức xúc.

 Cách đây không lâu, khi cửa hàng Điện máy Xanh đi vào hoạt động, sử dụng cụm loa công suất lớn đặt ngay trước tiền sảnh để quảng cáo suốt ngày đã khiến cho khu vực giao lộ ở chân cầu Phú Xuân vốn rất đông phương tiện lưu thông càng trở nên “bức bối” hơn vào giờ cao điểm. Không chỉ khiến người đi đường khó chịu mà có thời điểm, âm thanh còn vọng đến khu vực Bệnh viện TW Huế phía đối diện ảnh hưởng đến không gian của bệnh viện vốn rất cần sự yên tĩnh.

 Đó chỉ là hai trong rất nhiều kiểu ô nhiễm âm thanh, tiếng ồn mà người dân Huế và du khách đang phải hứng chịu, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe và đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân đô thị. Ô nhiễm rất đa dạng từ tiếng ồn do các phương tiện giao thông do các cơ sở sản xuất mộc, gò hàn, cưa xẻ... nằm ngay trong khu dân cư; do các quán bar, cafe, karaoke sát khu dân cư nhưng cách âm chưa tốt. Đó cũng có thể là do thói quen của người dân vô tư mở nhạc hoặc hát karaoke quá lớn, tình trạng này khá phổ biến với các gia đình có cưới hỏi. Thậm chí, khá nhiều chùa ở Huế, vào những ngày rằm, mùng một hay dịp trai đàn chẩn tế, tiếng tụng kinh cũng được dùng hệ thống loa phóng to.

Không dễ xử lý

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và  Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70 dBA (từ 6h đến 21h) và 55 dBA (21h đến 6h). Tùy theo hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật sẽ bị phạt ở mức từ 1.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng, tùy theo mức độ, hành vi gây ồn , cá nhân tổ chức còn bị kèm theo hình thức xử phạt bổ sung như: tước giấy phép, đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 tháng đến 12 tháng tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm.

Ông Hồ Quang Thiện, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế cho biết, thời gian gần đây đơn vị này tiếp nhận khá nhiều đơn phản ảnh về tình trạng tiếng ồn của các đơn vị kinh doanh văn hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Gần đây nhất là phản ảnh của người dân ở đường Trần Cao Vân về tiếng ồn phát ra từ quán The Hub của Khách sạn Imperial. Ngay sau đó, đoàn liên ngành của tỉnh và thành phố đã tổ chức đi kiểm tra, tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chỉ số tiếng ồn của nhà hàng không vượt quá quy định cho phép. Trong gần một tuần lễ, Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế cử cán bộ theo dõi và đo tiếng ồn phát ra từ quán bar này trong các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, nhiều lần đo thì chỉ số tiếng ồn phát ra vẫn nằm trong giới hạn cho phép, vì vậy cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, yêu cầu đơn vị kinh doanh này chấp hành quy định chứ chưa có cơ sở để xử lý vi phạm.

Ông Hồ Quang Thiện thừa nhận, việc đo chỉ số âm thanh rất khó, bởi âm thanh còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh tác động, lại tùy thuộc vào cảm nhận của từng người, từng lứa tuổi. Nếu có nhiều nguồn phát ra âm thanh và tạp âm lớn thì dù vượt quá quy định cũng rất khó khẳng định tiếng ồn của một nguồn phát nào vượt quá quy định để xử lý.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Huế, vấn đề ô nhiễm âm thanh được nhiều đại biểu quan ngại, cho rằng, công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, vấn đề gây ô nhiễm âm thanh cần phải đưa vào tiêu chí đánh giá, công nhận gia đình văn hóa. Riêng với trường hợp một số nhà chùa, các đại biểu góp ý với đại diện Giáo hội Phật giáo nên nhắc nhở các chùa, niệm phật đường, không nên dùng loa phóng thanh quá lớn để tăng âm lượng tiếng tụng kinh làm ảnh hưởng đến không gian tĩnh mịch của chùa và gây ảnh hưởng đến người dân.

Trong quy chế xây dựng “Nếp sống văn minh đô thị” do UBND TP. Huế xây dựng, hành vi phát ra tiếng ồn gây ô nhiễm âm thanh đã được quy định cụ thể. Tới đây, thành phố sẽ căn cứ vào các nghị định của Nhà nước để xây dựng quy chế xử phạt các hành vi vi phạm trật tự đô thị; trong đó có hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn vượt mức cho phép. Hy vọng, với việc xử lý cương quyết hơn cùng với sự ra đời của quy chế xử phạt sẽ nâng cao tính hiệu quả trong xử lý.

Bài, ảnh: QUANG PHONG