Du lịch, dịch vụ tăng khá

 

Trong 4 tháng đầu năm nay, đặc biệt là 2 tháng gần đây trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện sôi động với chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ và Festival Huế 2012. Đây là những hoạt động mang tầm quốc gia và quốc tế thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến Huế. Một trong những nhân tố tích cực của các hoạt động khởi đầu Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 và Festival Huế 2012 là đã tạo cơ hội kích cầu cho du lịch và dịch vụ phát triển. Các hoạt động của lễ hội làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng trên các lĩnh vực ăn uống giải khát, mua sắm, các dịch vụ du lịch và nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan. Kết thúc Festival Huế 2012, ngành du lịch tỉnh đã đón gần 2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Tổng lượt khách du lịch đến Huế tháng 4-2012 ước đạt 172,5 nghìn lượt, tăng 26,32% so với tháng trước và tăng 17,44% so cùng kỳ năm trước. Nâng tổng lượng khách du lịch 4 tháng đầu năm đạt 534,3 nghìn lượt, tăng 11,26% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 270,1 nghìn lượt, tăng 11,96%. Doanh thu các cơ sở lưu trú đạt 394,5 tỷ đồng, tăng 27,72%.

 

Khách hàng đến Hội chợ Thương mại Festival Huế 2012

 

Về thu ngân sách của tỉnh, trong 4 tháng qua, ngoài nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương và thu doanh nghiệp nhà nước địa phương bị giảm; còn lại các nguồn thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài, thu ngoài quốc doanh; thuế xuất nhập khẩu, thuế TTĐB đều tăng. Tổng thu ngân sách 4 tháng ước đạt 1.193,6 tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán năm, tăng 14,4% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa 947,4 tỷ đồng, bằng 28,5% DT, tăng 3,8%.

Cũng trong dịp này, các hoạt động dịch vụ diễn ra khá sôi động. Cùng với Lễ hội Bia Huế, Lễ hội rượu Sake khá sôi động... Hội chợ Thương mại Festival Huế 2012 được tổ chức với sự tham gia của hơn 350 doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước; tổ chức trưng bày và giới thiệu sản phẩm trên 512 gian hàng... Hội chợ đã thu hút trên 112.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm; tổng doanh số bán ra tại hội chợ ước đạt 25 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2012 ước đạt 1.736,3 tỷ đồng, tăng 2,99% so tháng trước và tăng 24,04% so cùng kỳ năm trước. Doanh số chung 4 tháng đầu năm ước đạt 6.794 tỷ đồng, tăng 24,82% so cùng kỳ.

 

Hoạt động đầu tư xây dựng tiếp tục phát triển

 

Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, từ đầu năm đến nay sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng chậm. Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đạt 2.332,3 tỷ đồng, tăng 4,89% so cùng kỳ năm trước. Một số đơn vị duy trì được sản xuất, sản lượng tăng khá như điện, dệt, sợi, may mặc, in ấn... Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp giảm mạnh so cùng kỳ: sản xuất xi măng giảm 18,8%, khai thác đá giảm 7,9%, sản xuất hóa dược giảm 18,4%, sản xuất gạch ngói giảm 5,1%...

 

Với sự ổn định của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm của tỉnh vẫn tăng trưởng cao. Tổng trị giá xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 132 triệu USD, tăng 24,51% so cùng kỳ; các nhóm hàng xuất khẩu tăng khá: hàng dệt may đạt 99 triệu USD, tăng 15,68% so cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 75% trong tổng trị giá xuất khẩu; dăm gỗ đạt 13,4 triệu USD, tăng 15,29%; thủy sản 4,6 triệu USD, tăng 40,07%...

Trong khi hoạt động công nghiệp bị chững lại, thì tình hình đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn có mức tăng trưởng khá. Ngoài những dự án trọng điểm vẫn tiếp tục được đầu tư, còn phải kể đến các dự án nâng cấp, chỉnh trang đô thị và nhiều dự án phát triển hạ tầng được đầu tư theo kế hoạch của Năm Đô thị đã được hoạch định từ trước. Theo đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế và các đô thị vệ tinh tiếp tục được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Năm 2012, tỉnh đã bố trí 1.100 tỷ đồng cho chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Đa số các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; một số dự án phục vụ Festival đã hoàn thành. Dự ước 4 tháng đầu năm giải ngân hơn 50 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 4 tháng đầu năm ước đạt 3.055,9 tỷ đồng, bằng 22,6% KH năm, tăng 24,7% so cùng kỳ.

 

Trong tổng vốn đầu tư, điều đáng mừng là bên cạnh vốn ngân sách nhà nước; các nguồn đầu tư khác cũng tăng trưởng ở mức cao. Cụ thể, vốn ngân sách đạt 983,7 tỷ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 935,6 tỷ đồng, tăng 15,7%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 309,8 tỷ đồng, tăng 22,5%; vốn viện trợ 175,3 tỷ đồng, tăng 47,3%; vốn đầu tư nước ngoài 347,5 tỷ đồng, tăng 43,6%. Các đơn vị đã khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như giải ngân các nguồn vốn. Nhiều công trình xây dựng đảm bảo tiến độ; nhất là các công trình trọng điểm như: chỉnh trang đô thị Huế, cầu đường bộ qua sông Hương, hồ chứa nước Tả Trạch, dự án Laguna Việt Nam, thủy điện A Lưới,...

 

Số liệu thống kê của tỉnh cho thấy, một hiện tượng đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, nhưng 4 tháng qua đầu tư từ khu vực tư nhân tăng khá. Đến cuối tháng 4-2012, trên địa bàn tỉnh đã có 165 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới với số vốn đăng ký 833,2 tỷ đồng; chỉ có 16 doanh nghiệp giải thể. Đến nay, đã có 360 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 85.000 tỷ đồng; trong đó cấp chứng nhận đầu tư trong nước 217 dự án, vốn đăng ký 32.481,4 tỷ đồng; FDI có 63 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.887,8 triệu USD. Tuy trước mắt còn bộn bề khó khăn, nhưng đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới.

 

Dẫu mức tăng trưởng của 4 tháng đầu năm là không cao, tuy nhiên đây là nền tảng quan trọng cho bước phát triển của những tháng còn lại sẽ thuận hơn, khi Chính phủ có nhiều chủ trương mới để kích cầu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện chung cho nền kinh tế phát triển.

 

Bài và ảnh: Hoàng Nguyên