Không giống như những môn khác, vẽ là môn không được học trong trường phổ thông. Do đó, thí sinh phải tìm nơi để học và lời khuyên đầu tiên là thí sinh phải được học bằng cách nào đó như luyện thi, hoặc trong nhà có người am hiểu bày vẽ, hoặc tự nghiên cứu... thì mới làm tốt được. Tôi chưa thấy ai không học mà thi đậu cả.

* Cán bộ chấm thi sẽ dựa vào những tiêu chí gì của môn thi vẽ mỹ thuật để cho điểm bài thi của thí sinh?

Để thi vào Trường đại học Nghệ thuật thí sinh phải thi 3 môn là hình họa, trang trí và văn, nhưng điểm hai môn đầu là quyết định. Tuy nhiên khi vào thi, thí sinh đừng áp lực quá, vì tiêu chí chấm bài là phát hiện năng khiếu chứ không đòi hỏi vẽ giỏi như họa sĩ chuyên nghiệp.

Phát hiện năng khiếu có hai tiêu chí, ví dụ như môn hình họa khác hẳn môn trang trí. Môn hình họa kiểm tra khả năng cảm nhận một đối tượng mà đề thi đặt ra và thể hiện lại. Thí sinh phải thể hiện cho được đối tượng đề thi đưa ra, càng giống càng tốt và không cần phải sáng tạo. Ngược lại, môn trang trí đòi hỏi khả năng sáng tạo trên cơ sở cái đề người ta ra. Một số thí sinh khi thi rất mơ hồ và không xác định rõ về tiêu chí của hai môn thi này nên khi làm sẽ không đáp ứng yêu cầu của bài thi và đạt điểm yêu cầu.

Về cách thể hiện bài thi: thí sinh nào đã đi học thêm thì sẽ biết về bố cục như thế nào, tỷ lệ cân đối ra làm sao, giữ bài sạch sẽ... để thể hiện cho người chấm thấy thí sinh đó là người có con mắt thẩm mỹ và có năng khiếu.

* Là giảng viên và là người đã tham gia chấm thi nhiều năm, ông có thể cho biết bài thi như thế nào sẽ gây “ấn tượng” đối với hội đồng chấm thi và giúp thí sinh có điểm cao?

Bài thi đó phải có gì đó riêng và nổi trội hơn bài xung quanh làm cho hội đồng chú ý. Nếu là môn hình họa, được chú ý nhất là bài thi thể hiện các tương quan về cấu trúc, tỉ lệ, ánh sáng, độ đậm nhạt một cách hài hòa nhất. Môn trang trí phải có tính sáng tạo trong bố cục, trong màu sắc và kỹ năng thể hiện. Tham gia các cuộc chấm thi nhiều năm, tôi thấy nhiều thí sinh đạt điểm không cao vì không nắm bắt được các tiêu chí của từng môn và thể hiện được những điều như tôi vừa nói.

* Ông có thể cho biết một số lưu ý khác đối với thí sinh khi đi thi?

Khi đi thi, cần lưu ý những thứ không được mang vào phòng thi thì đừng mang vào. Những thứ được phép mang vào phòng thi thì thí sinh, đặc biệt là những thí sinh ở xa, nhớ mang đầy đủ ví dụ như compa, thước kẻ, khăn lau cọ, keo hòa màu...

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh phải biết tính toán thời gian và có kế hoạch làm bài để không rơi vào trường hợp thiếu hoặc thừa giờ rất đáng tiếc. Chẳng hạn như cần xác định nửa tiếng đầu làm gì, nửa tiếng sau làm gì, 3 tiếng tiếp theo làm gì và nhớ chừa thời gian để kiểm tra lại bài thi.

* Lỗi lớn nhất khiến thí sinh bị loại là gì thưa ông?

Tỉ lệ loại lớn nhất là những thí sinh không học vẽ. Những thí sinh không qua một lớp hay khóa nào sẽ không đáp ứng được yêu cầu của đề thi đại học và chiếm tỉ lệ bị loại lên đến 60%. Đa phần còn lại đã có đi học vẽ thì sẽ làm bài tốt nên lời khuyên lớn nhất là phải học.

*Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)

 

Thí sinh làm bài thi môn vẽ tại điểm thi Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2011