Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (trái) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm New Delhi ngày 28/10/2014 . Ảnh: AFP

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi sẽ đến thăm Việt Nam - đối tác chiến lược của New Delhi trong khu vực Đông Nam Á vào cuối tuần này (3/9/2016) trước khi ông Modi đến Hàng Châu, Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Chuyến đi được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Chính sách hướng Đông

Chính sách này của Ấn Độ là một nỗ lực tích cực nhằm khắc phục những yếu kém vốn có trong cam kết của nước này với Đông Nam Á. Ngay trước khi chính sách hướng Đông nổi lên, Ấn Độ đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và hàng hải với khu vực Đông Nam Á; ví dụ, kim ngạch thương mại ASEAN-Ấn Độ đạt 79,3 tỷ USD trong năm 2012, vượt mục tiêu 70 tỷ USD đề ra trước đó.

Tuy nhiên, đã có thái độ hoài nghi nói chung giữa các nước ASEAN về cam kết của New Delhi đối với khu vực, khi chứng kiến sự bất lực của Ấn Độ trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dự án một cách kịp thời và sự miễn cưỡng để đảm nhận một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực.

Với sự cần thiết phải sửa nhận thức này, Thủ tướng Modi tiến hành một chính sách chủ động hơn, thể hiện ý thức cấp bách trong việc tham gia khu vực Đông Nam Á có hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh hợp tác song phương

Theo phân tích của tờ Indiatimes, Việt Nam là một phần quan trọng trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Sự gắn kết của Ấn Độ với Việt Nam là một động thái để giành thế cân bằng trước một Trung Quốc đang ngày càng tăng cường quân sự trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù lợi ích cốt lõi của Ấn Độ nằm trong khu vực Ấn Độ Dương (IOR), nhưng nước này cũng quan tâm đến Biển Đông do 55% thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực này.

Chuyến đi của ông Modi đến Hà Nội diễn ra sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp trên Biển Đông, trong đó ủng hộ lập trường của Philippines và bác bỏ tuyên bố “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam không tham gia vào quá trình xét xử, nhưng phán quyết này được xem là một dấu hiệu đáng khích lệ cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Về vấn đề này, Ấn Độ “kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tối đa Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), trong đó thiết lập trật tự pháp lý quốc tế của các vùng biển và đại dương”.

Trong chuyến thăm sắp tới, Ấn Độ và Việt Nam có thể sẽ hợp tác nhiều hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng. Tờ Indiatimes cho rằng, New Delhi sẽ đề xuất nhằm xuất khẩu một loạt các thiết bị quân sự cho Việt Nam, bao gồm cả ngư lôi chống tàu ngầm mới Varunastra và tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos. Ngoài ra, Ấn Độ và Việt Nam sẽ tiến hành trao đổi ngoại giao, các biện pháp xây dựng lòng tin, và thực hiện các bài tập quân sự chung, mở đường cho việc cải thiện hợp tác chiến lược và quân sự, nhằm thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai quốc gia.

Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Do đó, đẩy mạnh quan hệ thương mại vẫn là một chủ đề quan trọng trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo sắp tới.

Trên thực tế, thương mại song phương đã tăng mạnh từ 500 triệu USD trong năm 2008 lên 5,18 tỷ USD trong năm 2015. Hơn nữa, với tư cách thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn cho các công ty Ấn Độ.

Hai bên có khả năng cân nhắc hợp tác về khoa học và công nghệ, ký kết các thoả thuận phối hợp nghiên cứu về hải dương học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin truyền thông và nghiên cứu y học. Hơn nữa, hai nước cũng phấn đấu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh khu vực, bằng cách chống lại việc buôn bán ma túy, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Indiatimes, Diplomat & Rediff)