Tại ĐBSCL, qua 3 năm đã chuyển được nhiều diện tích từ trồng lúa sang trồng ngô. Ảnh: N.L

Đối với các vùng khô hạn, nhiễm mặn từng bước chuyển trồng lúa sang phát triển các cây chịu hạn, cỏ làm thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, qua việc triển khai tái cơ cấu cũng xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân năm 2016, đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn liên kết xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000ha; nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang...

Ngoài ra, cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây, tập trung đối với giống lúa, ngô chất lượng cao. Cơ cấu giống và tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đã tăng mạnh, chất lượng gạo được nâng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của các tỉnh phía Bắc đạt trên 80%, khu vực miền Trung đạt trên 50%, vùng ĐBSCL đạt khoảng 45%; đã hoàn thành thủ tục khảo nghiệm, đánh giá an toàn sinh học và đưa giống ngô biến đổi gen ra sản xuất.

Trong 3 năm (2013-2015) giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện.

Theo Dân Việt