71 năm rồi, kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945, đến trăm năm sau, cả ngàn năm sau nữa, bài học  về “chớp thời cơ” mau lẹ, có một không hai, về “Đảng lãnh đạo” sáng suốt, tài tình, về “dân tin Đảng” một lòng một dạ làm nên thắng lợi, làm nên lịch sử, mãi mãi vô giá.

Đảng coi “dân là gốc”, dân một lòng tin Đảng đã đưa hai cuộc chiến tranh vệ quốc trong tiến trình “30 năm dân chủ cộng hòa” đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất non sông, giang san quy về một mối. Một giá trị mang tính trường tồn.

10 năm vật vã, sống ngột ngạt trong “tập trung quan liêu bao cấp”, nền kinh tế tụt xuống đáy của đói nghèo, khốn khó, người dân đã so sánh: đảng ta làm kinh tế, quản trị đất nước không giỏi bằng đánh giặc. Dân có “nhạt đảng”, nhưng vẫn còn tin, vẫn chung lưng đấu cật cùng vượt qua.

Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị Trung ương 6 khóa 4 (tháng 8/1979) đã đề ra bước đột phá đầu tiên của tiên trình đổi mới là “làm cho sản xuất bung ra”. Chỉ thị 100 (1981) của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra một xung lực mới trong nông nghiệp.

Hội nghị Trung ương 8 khóa 5 (tháng 6/1985) đánh dấu bước đột phá thứ hai bằng ý chí và hành động dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế một giá, xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp, chuyển mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh sang cơ chế hạch toán kinh doanh, chuyển ngân hàng sang nguyên tắc kinh doanh.

Đảng đã xác định cơ chế kinh tế nhiều thành phần, sử dụng đúng quan hệ hàng hóa – tiền tệ, vận dụng quy luật giá trị. Đây là bước đột phá thứ ba.

Đại hội 6 của Đảng (12/1986) đã bừng tỉnh nhận thức và cách nhìn “thẳng váo sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đề ra đường lối đổi mới toàn diện cho đất nước. Đây là bước ngoặt, bước đột phá lớn và toàn diện đem lại niềm tin trong dân.

Nhìn tổng thể, 30 năm đổi mới là chặng đường ổn định và phát triển. Thể chế chính trị chế độ hóa từng thời kỳ, từng nhiệm kỳ. Người đứng đầu Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ không quá 2 nhiệm kỳ. Thực hiện chế độ này chưa hẳn đã có dân chủ đầy đủ và toàn diện, nhưng quan trọng là chấm dứt tư tưởng phong kiến để lại là làm quan suốt đời, vua là con trời, không nghỉ hưu chỉ bị phế truất.

Trong tiến trình đổi mới toàn diện, thực hành dân chủ, người dân quan tâm nhiều hơn, sát sườn hơn phẩm chất con người đảng viên, con người lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương. Trong đời sống chính trị, nhất là trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, người dân rất quan tâm đến nhiệm kỳ, đến nhân sự, đến chuyển giao quyền lực với tâm trạng hết hy vọng đến thất vọng. Đấy cũng là tâm lý thường tình.

Điều quan trọng, đáng lưu ý là trong quá trình đổi mới tương đối ổn định đã hình thành những nhóm lợi ích đặc biệt. Trên thế giới nhóm lợi ích hình thành cùng tiến trình phát triển kinh tế thị trường. Nhóm lợi ích đồng hành cùng tiến trình của đất nước, cùng lợi ích cộng đồng trở thành động lực phát triển. Nhóm nào chỉ vì lợi ích riêng mà đi ngược lại cái chung, hoặc thâu tóm mọi quyền lợi, hưởng thụ cho cá nhân sẽ là vật cản, là phản động lực.

Giáo sư kinh tế người Mỹ Mancur Olson nhận định: “Bất kỳ một quốc gia nào chỉ cần có một thời gian ổn định chính trị đủ dài là sẽ xuất hiện tập đoàn lợi ích đặc biệt, hơn nữa chúng sẽ trở nên ngày càng thuần thục, có kỷ xảo. Sau đó chúng sẽ càng ngày càng biết nên thao túng chính sách công quan trọng nhất của quốc gia, sự phát triển kinh tế của quốc gia, bộ máy chính trị, nhất là hành chính và pháp luật của bộ máy đó như thế nào, hiểu được khi thao túng, phải làm thế nào để được lý do thuyết phục. Vì kỷ xảo của chúng ngày càng thành thạo nên lợi ích thu được ngày càng chắc chắn, càng nhiều. Cuối cùng dần dần dẫn tới thể chế, chính sách, tổ chức về các mặt như kinh tế, xã hội, hành chính, pháp luật v.v… của một quốc gia đó biến thành sự sắp xếp phù hợp nhất với tập đoàn lợi ích đặc biệt, khiến động lực mới của sự phát triển của quốc gia này càng ngày càng bị kiềm chế, các ngành càng ngày càng xơ cứng. Điều này tất dẫn đến sự suy vong của quốc gia.”

Ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực đã phát triển từ lâu, nằm ngay trong tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp nhà nước, nhưng không dám lên tiếng chỉ trích vì nhạy cảm, vì sợ mất đoàn kết nội bộ. Đến khi thấy trong thực tiễn hiện nguyên hình sự bắt tay giữa doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với các cơ quan đảng, nhà nước, những người làm ra chính sách và điều hành chính sách mới lên tiếng cảnh báo. Dù muộn còn hơn không.

Lợi ích nhóm đang hàng ngày làm mục ruỗng bộ máy, làm xói mòn phẩm cấp cán bộ, công chức, làm mất niềm tin trong dân với Đảng, Nhà nước. Lợi ích nhóm của các tập đoàn đang vươn vòi bạch tuộc hòng biến chính sách quốc gia thành con tin. Mọi gánh nặng, hậu quả kinh tế, xã hội dồn lên vai người yếu thế. Người dân trở thành con tin của các tập đoàn lợi ích nhóm.
Thực tiễn cũng cho thấy không phải tập đoàn lợi ích nhóm nào cũng làm mưa làm gió.

Chế độ bầu cử, phổ thông đầu phiếu có từ Hiến pháp đầu tiên, bầu ra Quốc hội, người đứng đầu Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước ngày một công khai, minh bạch, dân chủ thật sự sẽ lựa chọn được người lãnh đạo “vì dân vì nước”.

Lợi ích nhóm không thể thao túng, không thể “một tay che mặt trời” trước truyền thông báo chí, dù có thể tác động nhất định vào một bộ phận nào đó, trong một sự kiện náo đó.

Trong thời đại toàn cầu hóa, lợi ích nhóm có thể xuyên quốc gia. Nhưng trong cuộc cạnh canh khốc liệt để tồn tại và phát triển, các tập đoàn buộc phải bắt tay thỏa hiệp.

Những yếu tố kiềm chế này chỉ phát huy hiệu quả khi có cơ chế và nghiêm chỉnh thực hiện minh bạch, rõ ràng, công khai, dân chủ thật sự, chứ không phải là dân chủ hình thức, giả hiệu. Làm được như vậy không chỉ để dân không thành “con tin” mà lấy lại niềm tin của dân, làm sáng chói thêm giá trị lịch sử “Tuyên ngôn độc lập” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới cách đây 71 năm giữa quảng trường Ba Đình lịch sử.

Theo VOV