Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng và từ lâu đã “bắt được bệnh”. Vấn đề được thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Chiến lược Quốc gia Phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương. Tuy vậy, trên thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều đó cũng có nghĩa là “thuốc uống vẫn chưa đủ, chưa đúng liều”.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI, BCH Trung ương đã thống nhất về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trực thuộc Bộ Chính trị, đồng thời sẽ lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng của một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Hoàn chỉnh bộ máy phòng, chống tham nhũng được xem là “liều thuốc mạnh”. Vấn đề không thể dừng lại ở đó. Cùng với việc hoàn chỉnh bộ máy, phải là sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm giải quyết những bất cập đang tồn tại bởi đây chính là một trong những điều kiện nảy sinh các hành vi tiêu cực. Cần nhanh chóng có chế độ tiền lương phù hợp. Mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-50% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống mỗi người. Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về phòng chống, tham nhũng, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chế định pháp luật về vấn đề này đạt yêu cầu đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thuốc uống đã có, vấn đề còn lại trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là thái độ và hành động từ Trung ương đến địa phương. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phải lo uống thuốc cho đủ, đúng liều”.

Đan Duy