Nhiều công nhân và các nhà hoạt động của Trung tâm Công đoàn Ấn Độ (CITU) tham gia biểu tình ở New Delhi vào ngày 2/9/2016. Ảnh: AFP

Mười công đoàn lớn ở Ấn Độ đã kêu gọi tiến hành một ngày đình công vào hôm qua, sau khi các cuộc đàm phán về tiền lương với Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley thất bại, thông tin cho biết.

Phương tiện truyền thông dẫn lời các quan chức công đoàn nói rằng, khoảng 180 triệu nhân viên nhà nước làm việc trong các ngành công cộng như ngân hàng, trường học, dịch vụ bưu chính, bệnh viện, nhà máy điện và các hầm mỏ đã tham gia 24 giờ đình công trên toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng công nhân tham gia cuộc đình công không được xác minh.

Đại biểu Ramen Pandey của Đại hội Công đoàn Quốc gia Ấn Độ cho biết, đây là cuộc đình công "lớn nhất thế giới từ trước đến nay".

Các công đoàn đã đệ trình một điều lệ có 12 yêu cầu, trong đó bao gồm mức lương tối thiểu hàng tháng là 18.000 Rs (USD 270) và một khoản tiền trợ cấp 3.000 Rs (45 USD).

Ngoài việc tăng lương, lãnh đạo các công đoàn cũng muốn chính phủ hủy bỏ kế hoạch đóng cửa các công ty nhà nước không có lợi nhuận, tăng đầu tư nước ngoài ở một số ngành công nghiệp và bán tháo cổ phần trong các công ty nhà nước.

Công đoàn Ấn Độ cũng cho biết cuộc đình công này muốn "chấm dứt các cuộc tấn công toàn diện của chính phủ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của họ".

Các liên đoàn lao động cáo buộc chính phủ về phe các tập đoàn lớn trong một "âm mưu thấp hèn ... để tư nhân hóa khu vực công và mời vốn nước ngoài trong một số lĩnh vực của ngành công nghiệp".

Những cải cách lao động gây tranh cãi và kế hoạch bán cổ phần của chính phủ cho khu vực tư nhân của Thủ tướng Narendra Modi đang làm dấy lên nhiều hoài nghi trong công chúng.

Trước đó, nhiều người đã ủng hộ đưa Thủ tướng Modi lên nắm quyền vào năm 2014 do những lời hứa sẽ phục hồi nền kinh tế đất nước của ông.

Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV)