Các cuộc biểu tình, do nhiều tổ chức xã hội phát động, trong đó có Mặt trận Nhân dân và Phong trào nông dân không có đất (MST), đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Brazil. Những người tham gia tuần hành chỉ trích ông Temer là "kẻ đảo chính" và sẽ không bao giờ chấp nhận chính phủ của ông này.
Đại diện MST cho biết có khoảng 100.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chính phủ mới và khẳng định sẽ bảo vệ tới cùng nền dân chủ ở Brazil. Tại Río de Janeiro, hàng chục nghìn người cũng đã tập trung tại bờ biển Copacabana yêu cầu ông Temer từ chức và hối thúc tổng tuyển cử sớm.
Tại Sao Paulo, trung tâm tài chính của Brazil, 50.000 người biểu tình cũng tập trung ở đại lộ Paulista, lớn nhất ở thành phố, phản đối việc ông Temer trở thành tổng thống sau khi Thượng viện bãi nhiệm bà Dilma Rousseff hôm 31/8 vừa qua. Suốt bảy ngày qua, người biểu tình trong màu áo đỏ của đảng Lao động (PT), mà bà Rousseff là thành viên, vẫn bám trụ tại con phố này để phản đối chính phủ mới.
Cảnh sát cho biết đã không có đụng độ lớn với người biểu tình như những ngày diễn ra phiên tòa xét xử bà Rousseff.
Tình hình chính trường Brazil trở nên phức tạp sau khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ từ ngày 12/5 để quốc hội nước này tiến hành quá trình xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính. Bà đã bị Thượng viện phế truất hồi tuần trước với 61 phiếu đồng ý và 20 phiếu chống.
Ông Temer đã chính thức nhậm chức tổng thống và thay bà Rousseff điều hành đất nước tới hết năm 2018. Bà Rousseff cho rằng việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà là một "cuộc đảo chính" và đã nộp đơn kháng cáo. Nhiều nước Mỹ Latinh cũng đã bày tỏ đoàn kết với bà Rousseff sau phiên bỏ phiếu của Thượng viện Brazil.
Giới quan sát dự báo quyết định bãi nhiệm bà Rousseff sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở Brazil, đẩy nền kinh tế nước này càng chìm sâu vào khủng hoảng và bất ổn./.
Theo Vietnam+