Teo tóp dần
Hỏi tình hình tuyển sinh năm nay của Trường đại học Nghệ thuật Huế, PGS.TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng, thở dài, gói gọn bằng hai từ: “Bi đát”. Từ chỗ từ 250-300 thí sinh trước đây, năm ngoái thí sinh giảm còn khoảng 100. Năm nay, trường chỉ tuyển được 65 thí sinh, thấp nhất trong lịch sử. Dù Biết thí sinh sẽ giảm nên trường hạ chỉ tiêu xuống còn hơn 100 nhưng vẫn không tuyển đủ. Trong đó, điêu khắc chỉ có 1 thí sinh, hội họa, sư phạm khoảng 4-5 thí sinh, đồ họa tạo hình không tuyển được thí sinh nào.
Học viện Âm nhạc Huế ngày càng gặp khó khăn trong tuyển sinh
Tương tự, năm học này, Học viện Âm nhạc Huế có 200 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Trong đợt thi tuyển lần 1 vừa qua, học viện chỉ có 37 thí sinh đăng ký dự thi (năm ngoái là 122 thí sinh) và tuyển được 30 chỉ tiêu. Trong đó, ngành âm nhạc học có 2 thí sinh, biểu diễn nhạc cụ truyền thống 3, sáng tác âm nhạc có 5 thí sinh trúng tuyển. Hiện học viện có 25 thí sinh nộp hồ sơ đợt 2. Dự kiến, năm nay, Học viện Âm nhạc Huế tuyển được 25% chỉ tiêu.
Chung tình trạng, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật có 250 chỉ tiêu hệ chính quy. Tuy nhiên, đợt 1, nhà trường chỉ nhận được 62 hồ sơ và tuyển được 53 thí sinh. Trong đó, lớp tuồng có 30 chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ nào. Đây cũng là năm thứ 4 nhà trường không mở được lớp tuồng. Ngành ca kịch mới tuyển được 5 em, ngành hội họa chỉ mới 3 em đăng ký.
Khó đầu ra
Qua tìm hiểu, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ở các trường năng khiếu giảm dần theo từng năm, đột ngột nhất là 2 năm trở lại. Nhằm tạo nguồn tuyển trình độ đại học, Học viện Âm nhạc Huế rất chú trọng công tác tuyển sinh trung cấp bằng cách tổ chức nhiều đợt tuyển sinh tại các huyện, thị trong tỉnh cũng như tuyển sinh lưu động tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng tuyển sinh bậc trung cấp của học viện cũng sụt giảm, ít người theo học dù đã có giấy báo trúng tuyển. Nguồn tuyển là học sinh trung cấp từ các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong khu vực miền Trung cũng sụt giảm vì việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo này gặp rất nhiều khó khăn. Ở Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường đã cố gắng hết sức trong tư vấn tuyển sinh, về tận các vùng quê, vào từng lớp kêu gọi, thuyết phục nhưng tình hình vẫn không khả quan.
Một lý do hết sức quan trọng là đầu ra cho học sinh, sinh viên ngành năng khiếu lắm chông gai. Ông Mai Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Âm nhạc Huế nhận định: “Trong xu thế nhân lực lao động hiện tại, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh về các ngành nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ít được xã hội quan tâm. Điều kiện khó khăn khiến phụ huynh e ngại không cho con em theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều gia đình cân nhắc cho con em theo học các ngành khác có thời gian học ngắn hơn, sau khi ra trường dễ tìm được việc làm”.
Sinh viên Học viện Âm nhạc Huế tham gia biểu diễn trong chương trình giao lưu âm nhạc
Thời gian học kéo dài cũng là một trở lực khiến nhiều người có năng khiếu bỏ cuộc. Ngoài năng khiếu, việc theo nghệ thuật chuyên nghiệp đòi hỏi thời gian học tập, rèn luyện khá dài. Với âm nhạc có thể là 8 năm, hay từ 10 đến 13 năm nếu theo học từ nhỏ. Nếu đỗ thẳng vào đại học thì chỉ mất 4 năm nhưng số này khá ít. Để trở thành những hạt giống tốt, người học âm nhạc chính quy chuyên nghiệp phải mất từ 6 đến 9 năm. Tốn công sức và thời gian khổ luyện nhưng đầu ra bấp bênh, lương thấp là lý do chính khiến ít bạn trẻ mặn mà.
Nhiều hệ lụy
Tuyển không đủ chỉ tiêu ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo tại các trường nghệ thuật. Ông Hoàng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật chia sẻ, nếu mỗi bộ môn chỉ khoảng 5 thí sinh theo học thì kinh phí đào tạo tốn kém như lớp 30 em, chưa kể phải thuê thêm diễn viên từ các nhà hát đóng vai trong các bài thi khi số sinh viên không đủ để xây dựng các kíp diễn. Hơn nữa, đầu vào không được lựa chọn kỹ cũng ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra khiến những tài năng sân khấu trở nên hiếm hơn trước đây.
Ông Mai Anh lo lắng: “Không tuyển đủ chỉ tiêu, quy mô đào tạo của Học viện Âm nhạc Huế bị thu hẹp, số học sinh, sinh viên theo học một số chuyên ngành “teo tóp” dần. Nếu tình hình còn kéo dài, sẽ có những ngành không còn sinh viên học, kéo theo việc giảng viên không có giờ giảng, dôi dư cán bộ giảng dạy…”.
PGS. TS Phan Thanh Bình cho rằng, thí sinh ít dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho nhà trường. các trường nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giảm thí sinh cũng ít lo vì Bộ thực hiện cơ chế đào tạo đặc thù trên cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật và cấp lương 100% cho các trường. Trường đại học Nghệ thuật Huế chưa được áp dụng triệt để cơ chế đặc thù này nên các chế độ chính sách, nghĩa vụ đều như những trường khác. “Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần với Đại học Huế nhưng chưa được thấu hiểu. Hiện tại, Đại học Huế chỉ trả lương cho giảng viên của trường 80%, còn 20% trường phải tự xoay xở, nên Trường đại học Nghệ thuật Huế sẽ còn gặp khó khăn lâu dài”, PGS. TS Phan Thanh Bình ưu tư.
Minh Hiền