Hiện tượng băng tan ở các đại dương và dòng sông băng đe dọa cuộc sống của những sinh vật ở đây. Ảnh: Stoplusjednicka |
Nhiệt độ tăng cao ở các vùng biển cũng gây ra tác động rộng hơn như phá vỡ các mô hình lượng mưa trên đất liền, thúc đẩy những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tạo điều kiện để các căn bệnh liên quan đến nước lây lan nhanh chóng.
"Sự nóng lên của đại dương cũng có thể gây ra những thách thức tiềm ẩn lớn nhất trong thế hệ của chúng ta. Các tác động này hiện đang được chứng kiến. Đại dương hấp thụ nhiều hơn 90% nhiệt do phát thải khí nhà kính mà con người tạo ra từ những năm 1970", nghiên cứu dài 460 trang được 80 nhà khoa học đến từ 12 quốc gia thực hiện cho hay.
Theo nghiên cứu được công bố trong một hội nghị của IUCN ở Hawaii, sự nóng lên này khiến các loài sinh vật biển như sinh vật phù du, sứa, cá và rùa di chuyển về phía cực. Tốc độ của sự thay đổi trong các đại dương, chẳng hạn như thay đổi nhiều về phía cực trong hệ thống biển đang xảy ra nhanh hơn từ 1,5 đến 5 lần so với trên đất liền. Thay đổi phạm vi như vậy có khả năng không thể đảo ngược.
Và sự nóng lên sẽ thâm nhập ngày càng nhiều vào sâu trong lòng đại dương, ở độ sâu 700 m. "Các tác động này sẽ tiếp tục được chứng kiến trong nhiều thập niên, nếu không phải là thế kỷ, thậm chí nếu chúng ta có thể chấm dứt hoàn toàn lượng khí thải carbon dioxide", IUCN nhấn mạnh.
Nhìn chung, sự nóng lên sẽ gây ra một "hỗn hợp các tác động tiêu cực" trong các đại dương, mặc dù cũng có một vài tác động tích cực. Năm nay có thể sẽ là năm nóng nhất từ thế kỷ 19.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Environmentguru)