Một ngày mùa thu, nắng rất vàng, trời Hà Nội trong xanh, ba chở tôi đến trường trong buổi học đầu tiên. Ngày nhỏ, tôi chỉ vui chơi với các bạn trong khu tập thể của ba mẹ, giống như trong một gia đình. Đi đâu, cũng đi với ba, hoặc mẹ. Vì vậy, tôi thường nhút nhát, không muốn đi xa, sợ xa ba mẹ, dù chỉ là vài giờ đồng hồ. Biết vậy, ngày hôm trước, ba mẹ tôi làm công tác tư tưởng khá lâu. Vậy mà hôm sau khi mẹ bế tôi đặt lên chiếc xe đạp để ba chở đi, hai bàn chân tôi như có đá trĩu nặng. Ngồi sau xe, nước mắt rơi lã chã.

Hai ba con tôi đến lớp sớm khoảng nửa tiếng đồng hồ. Khi cô giáo và các bạn đến thấy người lạ, tôi càng sợ và khóc nhiều hơn. Ba tôi dắt tôi đến chào cô giáo và nói: “Cô cho tôi gửi cháu. Cháu ở nhà được chiều chuộng nên hay làm nũng. Mong cô thông cảm”. Cô giáo cười, xoa đầu rồi dắt tay tôi đến chỉ chỗ ngồi hàng đầu tiên. Sau đó, cô đưa tôi ra cùng các bạn xếp hàng vào lớp. Tôi vừa xếp hàng, vừa khóc thút thít. Trước lúc vào học, cô lấy thước gõ lên bảng đen, nói: “Các em! Hôm nay lớp ta có một bạn mới tên là X. H. Vì lạ nên bạn ấy khóc, các em không được trêu chọc bạn nhé”. Tôi nghe cả lớp đồng thanh: “Thưa cô vâng ạ”. Hình như lúc ấy tôi có cảm giác làm phiền cô giáo và các bạn nên sợ, lại khóc nhiều hơn. Thấy thế, cô giáo bước xuống chỗ tôi, lấy vở của tôi, mở ra và dịu dàng nói. “Em nín đi, nhìn lên bảng rồi chép bài vào vở. Chốc nữa bố sẽ đến đón em về”. Tôi lí nhí: “Vâng ạ”. Rồi ấm ức khóc. Vừa khóc, vừa chép bài.

Ở nhà, khi ba mẹ đi làm. Tôi chơi đủ các trò chơi với các bạn trong khu tập thể hàng giờ đồng hồ, chẳng bao giờ thấy nhớ ba, mẹ. Sao lúc này, cũng chỉ chừng ấy thời gian xa ba mẹ mà tôi lại nhớ và khóc? Giờ ra chơi, các bạn tỏa ra sân, chơi rất nhiều trò mà tôi thích, như: Ô ăn quan, nhảy dây, trận giả… có bạn vào cầm tay tôi ra chơi chung, nhưng tôi chẳng có lòng dạ nào tham gia. Vừa sợ, vừa mong từng phút ba đến đón. Cô giáo đến chỗ tôi hỏi han, dỗ dành rất nhiều. Lúc ấy, tôi chỉ biết vâng, dạ, chứ không trả lời cô. Có nhiều bạn không tham gia trò chơi, đứng xung quanh tôi động viên. Có bạn cho tôi kẹo trứng chim ( thứ kẹo quí giá thời bao cấp). Có bạn cho tôi kẹo kéo. Tôi không dám nhìn vào mặt bạn nào cả. Cứ cúi gầm mặt xuống. Chỉ mong vào học, kết thúc buổi học sớm để được ba đón về nhà.

Buổi học kết thúc, tôi là người ra khỏi lớp đầu tiên, đã thấy ba tôi đứng ở cổng trường, là phụ huynh đến sớm nhất. Thấy ba, tôi khóc òa. Ba dỗ tôi xong, dựng xe đạp, rồi đến chào cô giáo. “Cháu nó làm phiền cô quá”. “Không sao đâu anh, trẻ con mà. Vài buổi học, cháu sẽ quen”, Cô mỉm cười, nhẹ nhàng nói.

Năm sau lên lớp hai. Cô không chủ nhiệm lớp tôi nữa. Nhưng suốt cả năm học, tôi vẫn hay nhớ về cô. Cô lúc nào cũng dịu dàng, hiền từ, cần mẫn dạy dỗ và chăm sóc học sinh. Gặp cô, cô lại cười, xoa đầu tôi hỏi: “Dạo này X.H còn khóc nhè nữa không”?. Gần hết năm học lớp ba, Mỹ lại leo thang đánh phá miền Bắc. Hà Nội lại chìm trong bão đạn. Chúng tôi tiếp tục đi sơ tán. Khi về lại, nhiều thầy cô, bạn bè đã chết do bom đạn. Có người chuyển đi chỗ khác. Tôi vẫn mong gặp cô, nhưng không thấy. Sau năm 1975, tôi và gia đình trở về Huế. Từ đó đến nay, đã gần 50 năm trôi qua, tôi không bao giờ gặp lại cô giáo chủ nhiệm năm học lớp một, nhưng tôi vẫn nhớ cô tên là Quế. Nhớ hình dáng và giọng nói của cô.

Cứ mỗi khi thu về, ngày đầu tiên đến trường, tôi lại bồi hồi nhớ về cô.

Đinh Hoàng Xuân Hồng