Cụ thể, Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn 9 nhiệm vụ về giáo dục mầm non năm học 2016- 2017. Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thành các hoạt động thường xuyên trong các cơ sở GDMN. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp; có đủ nhà vệ sinh, bảo đảm sạch sẽ cho trẻ và giáo viên.

Yêu cầu các địa phương tiếp tục dành quỹ đất cho giáo dục mầm non.

Tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi, duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo quy định của tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (PCGDMNTNT). Phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ bình quân toàn quốc: trẻ nhà trẻ đạt 27%; trẻ mẫu giáo đạt 90%.

Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi

Đối với các địa phương chưa được công nhận đạt chuẩn, cần chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền rà soát tình hình thực hiện các điều kiện và tiêu chuẩn phổ cập, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp tích cực để phấn đấu đạt chuẩn PCGDMNTNT trong năm học 2016 - 2017. Triển khai cập nhật số liệu, thực hiện báo cáo, khai thác dữ liệu PCGDMNTNT trên hệ thống thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo phân cấp quản lý một cách hiệu quả.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ

Trong đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Thường xuyên kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những yếu tố gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường/lớp mầm non.

Về chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, chỉ đạo các cơ sở GDMN quản lý chất lượng bữa ăn ở những nơi tổ chức ăn bán trú, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ. Xây dựng chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị theo quy định.

Tăng tỷ lệ nhóm, lớp học 2 buổi/ngày có bán trú ít nhất 1,5%. Tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường, lớp mầm non, trong đó trẻ 5 tuổi tăng ít nhất 2%. Đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi đều dưới 10% và giảm so với đầu năm học; khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì.

Tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN. Đảm bảo hầu hết các nhóm, lớp thực hiện Chương trình GDMN tổ chức học 2 buổi/ngày. Phát triển số lượng và nâng cao chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu trong năm học, mỗi tỉnh, thành phố tăng ít nhất 1%, toàn quốc có ít nhất 36% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài xây dựng thêm phòng học, các địa phương rà soát, mua sắm, bổ sung tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi, phần mềm hỗ trợ cho GV, CBQL (ảnh minh họa)

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Ngoài xây dựng thêm phòng học, các địa phương rà soát, mua sắm, bổ sung tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi, phần mềm hỗ trợ cho GV, CBQL

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non

Tập trung tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm của CBQL, GVMN đối với trẻ. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với CBQL, giáo viên và nhân viên.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục

Tăng cường công tác kiểm tra hỗ trợ chuyên môn, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, đặc biệt đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo điều kiện.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách hành chính, giảm các hội họp không cần thiết.

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế

Chú trọng phát triển trường lớp mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện, đặc biệt ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non

Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thu hút trẻ khuyết tật đến trường học hòa nhập ở tất cả các loại hình trường mầm non. Nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ, đội ngũ và cộng đồng về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ có khó khăn về các lĩnh vực phát triển.

Tăng cường phổ biến và hướng dẫn thực hiện chính sách về giáo dục khuyết tật cho trẻ và cho giáo viên đến tất cả các địa phương, các cơ sở giáo dục.

Theo Dân trí